Thành phố Dung Quất tại sao không?
11/28/2010 9:00:00 PMTin trong nước

Khu kinh tế Dung Quất mà trái tim là Nhà máy lọc hoá dầu đã tác động tích cực đến tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể tăng trưởng GDP của Quảng Ngãi đạt 11% trong năm 2005 thì năm 2010 ước đạt 35%, rồi mai kia còn mở ra khả năng dồi dào cho công nghiệp chế tạo máy, hoá chất cơ khí, đóng tàu biển luyện cán thép, vận tải và du lịch dịch vụ. Rồi Quảng Ngãi ngoài cảng Dung Quất sẽ có cảng lớn, cảng biển nước sâu đáp ứng cho tàu 100.000 DWT đến 350.000 DWT. Kinh tế Dung Quất đang hướng ra biển gắn với biển và cảng biển nước sâu.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - hạt nhân của KKT Dung Quất

Có vẻ như chiếc áo cho Dung Quất đã hơi bị chật? Vậy nên Quảng Ngãi vừa có tờ trình Chính phủ phát triển khu Kinh tế Dung Quất trở thành thành phố có trung tâm Lọc hoá dầu Quốc gia. Khoan hãy làm cái việc phối cảnh cho đẹp mắt một thành phố biển miền Trung tương lai mà có lẽ nguyên nhân cơ bản và đầu tiên chính là chiếc áo hơi bị chật này. Khu kinh tế Dung Quất càng phát triển thì càng bộc lộ nhiều bất cập. Một trong những bất cập cơ bản là sự đan xen về thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng... Khắc phục hiện trạng đó không thể duy trì cung cách quản lý nhiều đầu mối như hiện tại mà phải thay bằng phương thức quản lý của một đơn vị hành chính lãnh thổ. Vậy một thành phố Dung Quất sẽ ra đời sẽ thành lập, tại sao không?

Việc thành lập thành phố Dung Quất trên cơ sở Khu Kinh tế Dung Quất là bước đi thích hợp bởi Dung Quất lấy sản xuất công nghiệp làm trọng tâm, phát triển đô thị gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch. Ngồi với ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Trưởng Ban QLDA Dung Quất là một cái thú. Thú vị khi nghe ông chẻ hoe những tính cách hơi bị lạ của người Quảng Ngãi! Cả những mặt ngon lành lẫn sường sượng. Hai cha con nhà ông, không rõ mới gặp chưa biết có chung tính cách không nhưng nghe ông Thuỷ nói lại, ông cụ thân sinh tuổi đã gần cửu thập là cựu chiến sĩ du kích Ba Tơ. Một thuở kiên cường gan góc bám trụ tại căn cứ kháng chiến. Tính cách đó như đa phần những người lính cụ Hồ xứ Quảng nói riêng và của người Quảng Ngãi nói chung luôn đàng hoàng thẳng thắn nói không với những chuyện tiêu cực trái tai ngang mắt.

Vận hội mới mở ra Khu kinh tế Dung Quất cũng nâng cấp luôn cho ông Thuỷ bứt ra những sự vụ hành chánh văn phòng lặt vặt lẫn nhiêu khê mà được quyết, được can dự những việc tầm cấp của một thành phố, đôi khi tầm quốc gia nữa? Nhưng trước hết phải kiên nhẫn ngồi nghe ông kê biên ra những con số cụ thể của việc phát triển thành phố Dung Quất với đặc trưng sản xuất công nghiệp dự kiến triển khai theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 2010 - 2015: Toàn bộ Khu kinh tế Dung Quất kể cả phần dự kiến sẽ mở rộng. Sẽ là đô thị loại III. thành phố Dung Quất sẽ bao gồm từ 3 - 5 phường. Cơ cấu công nghiệp nặng 80%. Công nghiệp nhẹ 5%. Công nghệ cao 59%. Dịch vụ 5%, nông nghiệp 1%. Dân số khoảng 330.000 nguời, trong đó dân đô thị khoảng 120 ngàn, dân số phi nông nghiệp ước 150 ngàn.

Định hướng phát triển KKT Dung Quất thành Thành phố Dung Quất

Giai đoạn 2015 - 2020: Thành phố Dung Quất sẽ thành đô thị loại II với các phường: Dân cư vạn Tường. Khu công nghiệp phía Đông, phía Tây Nam. Có phường CN gắn liền với cảng nước sâu Dung Quất II. Ngoài ra vẫn còn các xã và các xã này sẽ định hướng phát triển thành phường. Cơ cấu ngành và lĩnh vực cũng sẽ thay đổi trong đó công nghiệp nặng 64%, công nghiệp nhẹ và công nghệ cao 20%. Dịch vụ 15%. Nông nghiệp kỹ thuật cao 0,5%. Dân số khoảng 400 ngàn. Trong đó dân số đô thị khoảng 200 ngàn, dân số phi nông nghiệp khoảng 250 ngàn.

Giai đoạn 2020 - 2025: Thành phố Dung Quất sẽ có nhiều phường được mở rộng. Tiến trình đô thị hoá sẽ diễn ra trên toàn thể thành phố Dung Quất. Cơ cấu sẽ là công nghiệp nặng 52%. Công nghiệp nhẹ và công nghệ cao 25%. Dịch vụ 22% và nông nghiệp 1%. Dân số khoảng gần nửa triệu người trong đó dân số đô thị khoảng 320 ngàn. Có hơn 90% dân số phi nông nghiệp còn lại là dân số nông nghiệp công nghệ cao công nghệ sinh học.

Sảng sủa và triển vọng lẫn khả thi phải không? Qua ông Thuỷ tôi được biết, đề án của tỉnh về việc thành lập thành phố Dung Quất đã được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình lên Ban cán sự Đảng, Chính phủ. Đề án cũng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư kính chuyển đến 8 Bộ, ngành Tài chính, Tư pháp, giao thông Vận tải, Công Thương, Công an, Nội vụ, NN& PTNT, Tài nguyên Môi trường để lấy ý kiến. Hầu hết đều vui vẻ đồng thuận.

Cơ mầu này chả mấy một thời gian nữa, trên cơ sở đồng thuận của nhiều Bộ, ngành trọng yếu, một thành phố Dung Quất sẽ ra đời! Như đề nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Chính phủ xem xét thông qua chủ trương cho phép thí điểm phát triển Khu kinh tế Dung Quất, thành phố Dung Quất trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đề nghị cũng kiêm thêm một lời răn chủ trương chung chưa cho phép các khu kinh tế khác chuyển thành thành phố cho tới khi có các đánh giá về kết quả của mô hình này! Cũng hợp nhẽ thôi. Nếu như tất cả các khu công nghiệp khu kinh tế trên đất nước này đều xin nâng cấp trở thành thành phố loại này loại khác thì sẽ ra sao? Vậy nên mới cho địa phương Quảng Ngãi một cơ chế đặc thù để thử nghiệm?

Rời Ban QLDA, có thể ngôi nhà 4 tầng vốn đã khang trang này mai kia sẽ là tâm điểm hoành tráng hơn của một thành phố Dung Quất, tôi phập phồng thêm một nỗi niềm. Thành phố Dung Quất nếu được thành lập ngoài tổ hợp lọc hoá dầu Dung Quất nghe đâu còn có thêm huyện đảo Lý Sơn? Lý Sơn, phên dậu tiền tiêu của quốc gia, chặng dừng chân đầu tiên trong hải trình thương mến đất liền với Hoàng Sa mà hằng bao năm nay những lương dân Việt đến Lý Sơn chỉ biết chồn chân ở đó để vọng về quần đảo Hoàng Sa bị chia cắt! Nếu trở thành thành phố Dung Quất, cũng như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, huyện đảo Lý Sơn tất nhiên cũng phải được hưởng những tiêu chuẩn đặc biệt về an ninh quốc phòng cùng cơ chế chính sách đặc thù. Khi ấy có lẽ Lý Sơn cũng thêm sức sống lẫn nguồn lực mới?

Chúng tôi rẽ vào khu định cư mới của BSR - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hàng trăm hộ dân của xã Bình Trị đã di dời về đây lấy đất lấy chỗ cho nhà máy đứng chân. Căn nhà của ông Nguyễn Công Ba ở khoảng giữa dãy định cư có vẻ khá khang trang, ông Ba trước là an ninh hồi chống Mỹ tham gia bám trụ ngay tại mảnh đất quê nhà. Gia đình ông gương mẫu di dời đầu tiên cả đứa cháu nội khi ấy mới được 6 tháng tuổi. Bỏ lại cơ ngơi 628 m2 vườn rau ao cá cây ăn quả, cả nhà ông ra đứng chân ở đây. Có đêm điện bất ngờ mất, ông cũng đủ ánh sáng mà lui cui dọn dẹp bởi quần điện khá mạnh của khu tổ hợp lọc hoá dầu hắt sang. Theo ông Ba việc đền bù nói chung là thoả đáng. Nhưng hiện giờ dân còn đợi thậm chí còn bàn cãi số tiền mà trên cấp bổ sung làm sao chia cho đều cho hợp lý! Tiền nào vậy? Nghe nói của Tập đoàn Dầu khí hỗ trợ khó khăn. Chợt nhớ hôm khánh thành Nhà máy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xúc động phát biểu “Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tôi xin cảm ơn đồng bào nhân dân huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi đã chấp nhận di dời đến nơi ở mới để nhường địa điểm xây dựng Nhà máy, dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn thiếu thốn” Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và các ban ngành liên quan tập trung chăm lo hơn nữa đời sống của đồng bào, nhất là đồng bào thuộc diện di dời. Có thể số tiền hỗ trợ mà ông Ba đề cập được phát sinh sau thời điểm ấy chăng?

Được biết thêm con trai cả của ông Ba, Nguyễn Công Danh nay chững chạc là phụ trách đội cứu hoả của Nhà máy. Nhân viên của đội cứu hoả còn có một số thanh niên trong thôn. Ngó những ô định cư của dân Bình Trị, quy củ vuông vức thật nhưng cứ thiêu thiếu đi cái gì như là sinh khí của một cái làng một khu phố mới mà cả hai đều chưa thành hình? Có lẽ là một mảnh vườn kế bên? Con đường trong thôn liên thôn phải được rải nhựa? Những hàng cây ăn trái hoặc bóng mát? Chợt nhớ hồi nãy làm việc với ông Thủy ở Ban QLDA ông có phàn nàn rằng thời điểm di dời dân các cơ quan có trách nhiệm trong đó có Ban QLDA làm chưa tốt chưa quyết liệt trong khâu quy hoạch, tổ chức nên có nhiều khiếm khuyết nơi ở mới của bà con! Có phải vì lý do đó nên khu định cư chưa được bắt mắt? Mai kia quy hoạch cho tầm cỡ một thành phố, hy vọng từ bài học của lần định cư đầu tiên này, những sự bồi hoàn giải phóng mặt bằng cùng quy hoạch mong sao bớt đi những tiếng kêu lẫn sự phàn nàn của cư dân thành phố tương lai!

Chợt nghĩ thêm về cái thở dài của ông Thuỷ hồi nãy, thứ lao động cho Nhà máy lọc hoá dầu cho Khu kinh tế Dung Quất và cơ cấu ngành lĩnh vực kinh tế của thành phố Dung Quất tương lai nhắm rất ít vào lao động phổ thông cơ bắp mà chú trọng đến lao động có tay nghề. Đặc thù công nghiệp nặng hoặc công nghệ cao giải quyết lao động không phải là nhiều lắm. Ngoài số cư dân của thành phố Dung Quất tương lai đang và sẽ được đào tạo bài bản (và không phải tất cả đều được đào tạo) có bao nhiêu sẽ bổ sung ở lĩnh vực nhà hàng khách sạn dịch vụ và lao động nông, ngư nghiệp? Lĩnh vực nhà hàng khách sạn rồi du lịch? Lại nhớ cái cười hóm của ông Thuỷ về tính cách người xứ Quảng... Không biết những cư dân tương lai của thành phố Dung Quất có chịu khó có kiên nhẫn trong cuộc mưu sinh mới? Ông Thuỷ cứ xuýt xoa thế này. Cách nhau chỉ một hàng rào, bên kia là khu kinh tế Chu Lai thế mà cung cách mần ăn quản lý khác nhau lắm? Những thành phố cỡ như Dung Quất tương lai sẽ phá đi những hàng rào mỏng mảnh ấy? Thế giới còn đổi thay, đất nước còn đổi mới nữa là những sự trì trệ này khác? Thông thoáng hào phóng, mạnh dạn cởi mở... Những tính cách thuộc tính đó những thế mạnh ấy không riêng chi của bên hàng rào mảng mảnh kia!

Đêm, chúng tôi đứng trên đỉnh núi Sấu cao nhất trong Khu kinh tế Dung Quất mà bao quát tầm nhìn xuống khu Nhà máy lọc hoá dầu. Chỉ mỗi một quầng sáng của Trung tâm lọc hoá dầu đã rực rỡ bắt mắt thế này huống hồ mai kia là xôm tụ bao la cả một thành phố?

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.410
Xăng RON 95 - III
20.890
Xăng E5 RON 92 - II
19.690
Dầu DO 0,05S 18.050
Dầu DO 0,001S - V 18.310

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 24/10/2024

Giá dầu thô Brent