Điểm tin toàn cảnh dầu khí, ngày 11/11/2010
11/11/2010 8:29:00 AMTin trong nước

Các đại gia dầu khí châu Âu tham gia dự thầu phát triển các lô dầu khí trên bờ của Oman


Các đại gia Total (Pháp), BP (Anh) và Partex (Bồ Đào Nha) là 3 trong số các nhà thầu tham gia dự thầu phát triển 3 lô dầu khí trên bờ của Oman. Đó là các lô 39, 66 và 67, có tổng diện tích 18.200 km2, nằm ở phía Nam Oman.

Một quan chức của Bộ Dầu khí Oman cho biết nếu dầu hoặc khí được tìm thấy, chính phủ Oman sẽ ký hợp đồng sản xuất lâu dài với các công ty thành công. Việc đấu thầu đã bắt đầu từ tháng 8 vừa qua và sẽ đóng cửa vào cuối tháng 11/2010. Dự kiến, Bộ sẽ ký thỏa thuận thăm dò dầu khí ở 3 lô trên trong quý đầu tiên của năm 2011.

Oman đã ký hơn 20 hợp đồng thăm dò với hy vọng đẩy mạnh sản lượng lên 900 nghìn thùng/ngày vào năm 2011 - năm thứ 3 gia tăng sản lượng liên tiếp kể từ năm 2008, sau một thời gian suy giảm sản lượng. Năm 2010, Oman đặt mục tiêu sản lượng trung bình 860 nghìn thùng/ngày. Oman là một nhà sản xuất dầu mỏ nhỏ so với các nước láng giềng trong vùng Vịnh và độc lập với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Sản lượng đỉnh điểm mà Oman từng đạt được là 956 nghìn thùng/ngày vào năm 2001.

Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Venezuela

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng của quốc gia đang khát năng lượng - Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý mua nhiên liệu từ Venezuela và đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của nước này.

Bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Ngoại trưởng Venezuela Nicolas Maduro đã ký một thỏa thuận thăm dò, phát triển và tinh chế các loại nhiên liệu hydrocarbon ở quốc gia Mỹ Latinh thành viên OPEC. Theo ông, việc đầu tư vào quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ 5 thế giới - Venezuela sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng nhu cầu dầu của nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thường xuyên phải nhập khẩu khoảng 95% nhu cầu dầu thô - đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh để thăm dò dầu khí từ năm 2007.  Ngoài Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hội đàm với Bolivia và tham gia thăm dò dầu khí ở Colombia.

Exxon Mobil có thể bán 40% cổ phần tại mỏ ngoài khơi Indonesia

Theo thông tin từ Công ty tư vấn và cung cấp dịch vụ dầu khí Schlumberger cho biết, Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (Mỹ) đang tìm cách bán ½ trong số 80% cổ phần nắm giữ tại  lô Surumana, ngoài khơi Indonesia.

Năm ngoái, Exxon đã bán 20% cổ phần của mỗi lô Surumana và lô Mandar cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petrobras). Tuy nhiên, giá trị hợp đồng không được tiết lộ.

Hiện, phát ngôn viên của Exxon vẫn chưa đưa ra bình luận trước thông tin này.

Gazprom có phát hiện khí thương mại đầu tiên tại châu Phi

Tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga - Gazprom đã có một phát hiện khí đốt thương mại đầu tiên tại châu Phi, trên đất nước Algeria. Đây được coi là động thái khích lệ Gazprom trong việc mở rộng đầu tư, kinh doanh khí đốt tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - nơi duy nhất ở châu Âu không có sự hiện diện của Gazprom - nhà cung cấp 30% lượng khí đốt của châu Âu.

Đây là phát hiện khí thương mại đầu tiên của Gazprom ở ngoài nước Nga. “Chúng tôi đã có 1 giếng tốt và đã tiến hành thử nghiệm hôm 30/10”, Boris Ivanov - CEO của Gazprom EP International cho biết bên lề một hội thảo thượng nguồn châu Phi. Được biết, giếng có tên Rhourde Sayah-2, có trữ lượng 75 nghìn m3 khí đốt/ngày và 420 thùng chất lỏng liên kết mỗi ngày, nằm trong bể dầu khí Berkine, bao gồm 3 lô, trải rộng trên diện 3250 km2.

Gazprom là nhà điều hành của dự án hợp tác với Tập đoàn dầu khí Sonatrach của Algeria. Gazprom nắm 49% cổ phần dự án, trong khi Sonatrach sở hữu 51% cổ phần còn lại.

Ông Ivanov cũng cho biết, hiện Gazprom cũng đang xem xét đặt quan hệ đối tác với 1 công ty bản địa ở Nigeria để mua một trong những tài sản dầu khí đang thuộc sở hữu của Hãng Dầu Hoàng gia Hà Lan (Shell). Đồng thời, hãng cũng đang tìm kiếm các cơ hội khác trên lục địa Phi châu, bao gồm các nước Đông Phi và Libya và sẽ bắt đầu một chiến dịch khoan tại Libya trong quý I/2011.

Năm 2011, Gazprom có kế hoạch khoan 18 giếng bên ngoài nước Nga, chủ yếu ở châu Phi và có thể sẽ chi hàng trăm triệu USD vào lục địa này.

Belarus sẽ tăng phí vận chuyển quá cảnh khí đốt của Nga vào năm 2012

Hãng Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Belarus Vladimir Semashko cho biết, bên lề một cuộc họp tại Minsk, nước này có thể sẽ nâng phí vận chuyển quá cảnh đối với khí đốt của Nga kể từ năm 2012.

Theo ông Semashko, năm nay, phí vận chuyển quá cảnh khí đốt là 1,88/nghìn m3 và vào năm tới, mức phí này sẽ tăng lên 2 USD/ nghìn m3, tức là tăng 6%. Đồng thời, lượng khí vận chuyển quá cảnh qua Belarus vẫn duy trì ở mức trên 40 tỷ m3 và sẽ không tăng lên trong vài năm tới. Trong khi đó, lượng dầu vận chuyển quá cảnh qua Belarus sẽ giảm trong vài năm tới.

Ông cũng cho biết thêm rằng Nga có nhiều khả năng sẽ khởi động Hệ thống đường ống Baltic (BTS-2) vào tháng 1/1/2011, do đó lượng dầu vận chuyển qua Belarus sẽ giảm, rồi đi vào ổn định.

Nga có kế hoạch mở rộng đường ống BTS -2 để xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu mà không đi qua lãnh thổ Belarus do những tranh cãi, bất đồng giữa 2 nước thường gây ra gián đoạn việc cung cấp dầu mỏ qua đường ống Druzhba chạy qua lãnh thổ Belarus - tuyến đường ống xuất khẩu dầu mỏ chính của Nga  tới Liên minh châu Âu.

Sinopec phát hiện mỏ khí lớn ở Tứ Xuyên

Theo công bố hôm 5/11 từ Tập đoàn dầu khí và hóa chất Trung Quốc (Sinopec) -  hãng lọc dầu hàng đầu và sản xuất dầu khí lớn thứ 2 Trung Quốc, Tập đoàn đã phát hiện một mỏ khí tự nhiên mới có sản lượng 200 nghìn m3/ngày tại khu vực phía Đông Nam tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc.

Trong một tuyên bố trên website, Sinopec cho biết đã tiến hành khoan thử nghiệm sản lượng của giếng khí có tên Longsheng-1 từ tháng 6/2010. Khu vực sản xuất chính của Sinopec vốn ở phía Đông Bắc tỉnh Tứ Xuyên nên Longseng-1 có thể coi là sự mở rộng thành công của Sinopec về phía Đông Nam tỉnh này.

Sản lượng khí đốt tự nhiên của Sinopec ở trong khoảng 12 - 13 tỷ m3, tăng đáng kể so với mức sản lượng 8 tỷ m3 của năm 2009, chủ yếu nhờ việc khai thác ở mỏ khí Puguang, phía Đông Bắc tỉnh Tứ Xuyên.

Theo số liệu thống kê của công ty, trữ lượng khí đốt tự nhiên được chứng minh của Sinopec ở phía Đông Bắc tỉnh Tứ Xuyên đạt 451,8 tỷ m3.

Naftogaz phải trả 1,06 tỷ USD cho hóa đơn mua khí đốt tháng 10 của Nga

Công ty dầu khí quốc gia Naftogaz của Ukraine đã phải trả cho Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga 1,06 tỷ USD cho hóa đơn nhập khẩu khí đốt tháng 10/2010.

Hiện Ukraine đang phải trả 253 USD cho mỗi 1.000 m3 khí và đang cố gắng đàm phán lại thỏa thuận khí đốt với Nga. Tuy nhiên, Nga lại đưa ra yêu cầu sẽ xem xét nếu Gazprom có cố phần trong hệ thống đường ống quá cảnh của Ukraine - một điều mà Kiev không sẵn sàng cho phép.

Tháng trước, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cho biết, Nga có thể cắt giảm giá khí đốt bán cho Ukraine xuống còn 230 - 235 USD cho mỗi 1.000 m3 trong thời gian tới.

Đồng thời, Thủ tướng Ukraine cũng loại trừ khả năng sáp nhập giữa  Gazprom và Naftogaz, nhưng hoan nghênh ý tưởng thành lập một liên doanh giữa hai công ty để phát triển khí đốt tại khu vực Astrakhan ở miền Nam nước Nga và khu vực Yamal ở Bắc Cực của Nga. Tuy nhiên các quan chức Nga cho biết, thỏa thuận sửa đổi giữa 2 bên vẫn chưa được thống nhất.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.410
Xăng RON 95 - III
20.890
Xăng E5 RON 92 - II
19.690
Dầu DO 0,05S 18.050
Dầu DO 0,001S - V 18.310

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 24/10/2024

Giá dầu thô Brent