Hiệu quả Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: “Có thể cao hơn tính toán ban đầu”
10/26/2010 3:12:00 PMTin trong nước

Hiệu quả của dự án có thể cao hơn tính toán ban đầu, Chính phủ cho biết tại Báo cáo kết thúc và đưa vào vận hành công trình quan trọng Quốc gia Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất vừa được gửi đến Quốc hội, sáng 26/10.

Chủ đầu tư dự án cho biết, giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt.

Tại đây, Chính phủ khẳng định “đến thời điểm này, có cơ sở để khẳng định Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là đúng đắn, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng”.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng và giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

Sẽ báo cáo hiệu quả sau

Tại báo cáo này, Chính phủ cho biết, thực tế tiến độ dự án chậm khoảng 9 năm, chuyển đổi hình thức đầu tư nhiều lần, tổng mức đầu tư tăng từ 1.500 triệu USD lên 3.053,5 triệu USD…

Hiện nhà máy đang vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng. Tính đến cuối tháng 9/2010 đã tiếp nhận 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 5,5 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, bán ra thị trường 5,3 triệu tấn; doanh thu (kể từ ngày nhận bàn giao nhà máy) đạt trên 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam "với tổng mức đầu tư được duyệt 3,054 tỷ USD, trên cơ sở các chi phí đầu vào và cơ chế chính sách theo quy định hiện hành thì hiệu quả kinh tế của dự án IRR theo tính toán ban đầu ước đạt 7,66% (cao hơn so với giá trị IRR 5,87% được tính toán vào thời điểm tháng 6/2005”.

“Hiện nay với giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt, dự án có thể sẽ hiệu quả hơn nữa. Chủ đầu tư sẽ có báo cáo cụ thể sau khi hoàn thành công tác quyết toán công trình”, báo cáo nêu rõ.

Hiệu quả của Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất là một trong những vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, nhất là ở giai đoạn sản phẩm của nhà máy đã được đưa ra thị trường.

Tại buổi thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội cuối tuần qua, một vị đại biểu là ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội tỏ ra hết sức băn khoăn khi cùng đoàn giám sát đến đây đã nhận được câu trả lời “chưa tính được hiệu quả, nếu tính thì chắc là lỗ”.

Bởi, theo vị đại biểu này, đây là dự án đầu tư quá lớn từ tiền của nhà nước. “Trước mắt có thể lỗ 1, 2 năm nhưng từ năm thứ ba buộc phải có lãi, nếu không thì rất khó thuyết phục nhân dân”.

Về kế hoạch trong giai đoạn tới, báo cáo cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tiến hành lựa chọn, chế biến các dầu thô nước ngoài có khả năng thay thế dầu thô Việt Nam để linh hoạt hơn trong việc cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Đồng thời, nghiên cứu nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 8 -10 triệu tấn/năm. Tiếp tục nghiên cứu khả năng đầu tư xây dựng các nhà máy hóa dầu, sử dụng nguyên liệu từ nhà máy nhằm xây dựng một cụm lọc hóa dầu lớn tại miền Trung.

Tiến độ dự án bị bỏ qua nhiều giai đoạn

6/36 trang của bản báo cáo, Chính phủ đã dành để nêu các bài học kinh nghiệm.

Với chủ đầu tư, Chính phủ nhìn nhận việc lập tiến độ và các bước triển khai dự án chưa sát với thực tế, công tác lựa chọn địa điểm kéo dài với tiêu chí không rõ ràng; tiến độ dự án bị bỏ qua nhiều giai đoạn, định hướng tiêu chuẩn chuẩn chất lượng sản phẩm và môi trường chưa phù hợp, dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, công tác thu xếp vốn còn nhiều lúng túng… khiến dự án bị chậm tiến độ và phát sinh.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn liên doanh, dự án đã được chia thành 7 gói thầu EPC với sự tham gia của các nhà thầu Việt Nam.

Tuy nhiên, khi dự thầu, các nhà thầu Việt Nam thường chưa coi trọng công tác nghiên cứu kỹ yêu cầu của đầu bài, cứ chấp nhận như hồ sơ mời thầu đã nêu và không ít các trường hợp sẵn sàng giảm giá để được trúng thầu. Dẫn đến hầu hết các nhà thầu Việt Nam đều kiến nghị phát sinh khối lượng và chi phí những vẫn không thực hiện được tốt, thậm chí không thực hiện được hợp đồng.

Về công tác quản lý Nhà nước, báo cáo nêu rõ, trong quá trình triển khai dự án, do quyền hạn của chủ đầu tư còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn để đáp ứng các quy định của pháp luật hoặc mất nhiều thời gian để xin bổ sung cơ chế đặc cách. Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành cũng mất nhiều thời gian để đưa ra các quyết định phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho dự án.

* Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12/1997 và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, dự án được dự kiến xây dựng trong thời gian 4 năm, từ 1997 - 2001.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, dự án đã bị chậm tiến độ khoảng 9 năm với 2 lần điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong đó, tổng mức đầu tư ban đầu được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 là 1,5 tỷ USD. Đến năm 2005, sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên mức 2,501 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2005 - 2008, do có nhiều yếu tố biến động về giá cả đầu vào, tỷ giá và bổ sung khối lượng công việc, trên cơ sở đề nghị của Petro Vietnam và thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 8/2009, Thủ tướng một lần nữa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 3,053 tỷ USD, tăng 552,5 triệu USD so với lần điều chỉnh thứ nhất.

Cuối tháng 5/2010, sau 13 năm đầu tư, xây dựng, nhà máy đã chính thức hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư là Petro Vietnam quản lý và vận hành. Đến thời điểm này, nhà máy đã hoàn thành tất cả các khối lượng công việc theo quyết định về đầu tư của Thủ tướng và đã bước vào giai đoạn vận hành 100% công suất thiết kế.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.410
Xăng RON 95 - III
20.890
Xăng E5 RON 92 - II
19.690
Dầu DO 0,05S 18.050
Dầu DO 0,001S - V 18.310

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 24/10/2024

Giá dầu thô Brent