Lọc dầu Dung Quất: Vốn đầu tư giảm 10.000 tỷ đồng
10/20/2010 8:51:00 AMTin trong nước

Theo báo cáo của Chính phủ, dù chậm tiến độ chín năm, nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng cuối cùng tổng chi phí nhà máy lại thấp hơn dự tính khoảng 10.000 tỷ đồng.

Ủy ban Khoa học - công nghệ - môi trường của Quốc hội chiều 18/10 đã tổ chức hội nghị giám sát việc thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.

Dầu thô nước ngoài thay thế Bạch Hổ?

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - công nghệ - môi trường, dự án NMLD Dung Quất đến nay đã hoàn thành, đang vận hành thương mại với 100% công suất. Dù phải tăng vốn đầu tư nhiều lần, từ 1,5 tỉ USD năm 1997 lên 2,5 tỉ USD năm 2005 rồi chốt ở mức 3,05 tỉ USD năm 2009 (tương đương 51.700 tỉ đồng) nhưng theo báo cáo của Chính phủ, tổng giá trị xây dựng NMLD Dung Quất ước chỉ khoảng 40.000 tỉ, thấp hơn dự toán khoảng 10.000 tỉ đồng.

Lý do giảm được vốn đầu tư, theo báo cáo, nhờ giai đoạn chạy thử nhà máy, chủ đầu tư không mất chi phí lương, hóa chất, không phải nộp ngân sách... Vì vậy, Chính phủ cho rằng với tổng đầu tư ít hơn, tính hiệu quả của dự án có thể cao hơn dự tính ban đầu. Tổng thu ngân sách từ dự án này có thể đạt trên 27 tỉ USD.

Về các tồn tại, Chính phủ công nhận quá trình triển khai dự án kéo dài quá lâu, tiến độ bàn giao nhà máy chậm chín năm so với nghị quyết ban đầu của Quốc hội, công tác quản lý dự án vẫn hạn chế dẫn tới một số vướng mắc chưa được xử lý kịp thời, thậm chí có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ đầu tư và các cơ quan nhà nước.

Công tác khảo sát khi chuẩn bị đầu tư không đáp ứng yêu cầu khiến phát sinh nhiều hạng mục đòi hỏi thời gian và chi phí...

Sẽ nâng cấp, mở rộng quy mô nhà máy lên 8-10 triệu tấn/năm (ảnh TTO)

Trước ý kiến chuyên gia cho rằng chọn công suất NMLD Dung Quất chỉ 6,5 triệu tấn/năm là kém hiệu quả vì các NMLD trên thế giới đều khoảng 10-12 triệu tấn/năm, báo cáo Chính phủ công nhận dự án NMLD triển khai khi chưa có chiến lược và quy hoạch ngành dầu khí nên khó khăn trong lựa chọn địa điểm, quy mô công suất.

Chính phủ cũng cho rằng chủ đầu tư (Tập đoàn Dầu khí - PVN) chưa có tầm nhìn dài hạn về chất lượng sản phẩm nên phải điều chỉnh thiết kế, bổ sung hai phân xưởng, làm kéo dài tiến độ. Các cơ quan nhà nước thì chậm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng khiến chủ đầu tư bị động, phải điều chỉnh thiết kế hoặc thiết kế dư thừa dẫn đến lãng phí, giảm hiệu quả dự án.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả NMLD Dung Quất, Chính phủ cho biết PVN đang triển khai lựa chọn dầu thô nước ngoài có khả năng thay thế dầu Bạch Hổ (giá cao) để linh hoạt hơn trong cung cấp nguyên liệu cho Dung Quất. Ngoài ra, sẽ nâng cấp, mở rộng quy mô nhà máy lên 8-10 triệu tấn/năm.

Ai chịu trách nhiệm về những tồn tại?

Góp ý báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - công nghệ - môi trường, ông Trần Văn, ủy viên Ủy ban Kinh tế, cho rằng báo cáo thẩm tra của Quốc hội cần nêu và giải đáp nỗi lo của dư luận và đại biểu Quốc hội: gánh nặng lãi suất có khiến giảm hiệu quả NMLD Dung Quất? Khả năng cạnh tranh của xăng dầu Dung Quất ra sao?

Ông Đinh La Thăng (Chủ tịch PVN):

Tồn kho của Dung Quất giảm mạnh

Kho chứa NMLD Dung Quất chỉ có 380.000 tấn, nên chẳng bao giờ Dung Quất để tồn đến 750.000 tấn như một số thông tin đã nêu trong thời gian qua. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã mua xăng dầu của Dung Quất, nên tồn kho giảm mạnh.

Đại diện Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch - đầu tư thì cho rằng báo cáo của Chính phủ có mâu thuẫn: "Lý do đưa ra do kéo dài thời gian chạy thử, không vào vận hành thương mại được, nhờ vậy giảm được suất đầu tư là không chính đáng. Cần xem lại vì mức giảm lên đến 11% so với mức 3,05 tỉ USD".

Cũng theo quan chức này, trong phần quyết toán dự án, có hơn 1.400 tỉ đồng đang và chưa quyết toán được do vướng mắc hồ sơ, thủ tục pháp lý... "Chúng tôi làm thì thấy nhiều trường hợp vướng mắc thủ tục không quyết toán được do nhà thầu phụ báo làm nhưng không có chứng từ. Đây không phải cơ chế mà là khả năng hoàn thiện chứng từ".

Ông Mã Điền Cư, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cũng cho rằng cần phân tích kỹ tồn tại, hạn chế chứ không nên chỉ tập trung vào kết quả đạt được.

"Báo cáo chưa phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm Chính phủ trong chỉ đạo điều hành 13 năm, trách nhiệm bộ, ngành, chủ đầu tư. Báo cáo thẩm tra chỉ ra tồn tại đơn giản quá. Tính phản biện phải cao mới thuyết phục được đại biểu Quốc hội" - ông Cư nói.

Giải đáp băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết báo cáo Chính phủ dựa trên ý kiến hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước. Ông Hoàng xin tiếp thu các ý kiến và cho biết sẽ hoàn thiện thêm.

Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng, chủ tịch hội đồng thành viên PVN, khẳng định báo cáo của Chính phủ đã được Bộ Công thương bàn với nhiều ngành liên quan, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã họp nhiều lần.

Ông Thăng không đồng tình với ý kiến đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư vì cho rằng trong các cuộc họp, đại diện bộ này đều được mời có ý kiến và bộ đã nhất trí rồi, "nay lại có thêm ý kiến như trên trời rơi xuống, không hiểu biết gì" nên ông Thăng cho biết sẽ có ý kiến với lãnh đạo bộ.

Cho biết sẽ chỉnh sửa báo cáo theo chỉ đạo của Bộ Công thương nhưng ông Thăng cho rằng "không thể đưa ra một báo cáo được tất cả đại biểu thỏa mãn, mà phải trên các tiêu chí nhất định".

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.410
Xăng RON 95 - III
20.890
Xăng E5 RON 92 - II
19.690
Dầu DO 0,05S 18.050
Dầu DO 0,001S - V 18.310

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 24/10/2024

Giá dầu thô Brent