Kiến nghị này đã được PVN đưa ra trong ngày hôm qua (7/10).
Theo PVN, việc xăng dầu mang thương hiệu Việt do Nhà máy Dung Quất sản xuất tồn kho với số lượng lớn như trên, là do việc tiêu thụ trong nước giảm 10% so với dự báo, trong khi công suất của nhà máy Dung Quất lại vượt 25%.
Đại diện PVN cho biết, trong thời điểm đưa ra dự báo, việc đàm phán với Tổng thầu nước ngoài về việc bàn giao nhà máy gặp khó khăn, chưa xác định được thời điểm bàn giao. Chính vì vậy, trong quá trình chạy thử, nhà máy chỉ chạy cầm chừng. Tuy nhiên, khi nhà máy đã chính thức được bàn giao cho phía Việt Nam thì nhà máy đã chạy ổn định hết 100% công suất thiết kế.
Vì vậy để giải quyết vấn đề này, theo PVN cách tốt nhất là phải giảm nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài, để tăng lượng tiêu thụ xăng của Nhà máy Dung Quất sản xuất ra thị trường.
Cùng với đề nghị này, PVN cũng kiến nghị các đơn vị đầu mối mở kho chứa để tăng sức chứa các sản phẩm của Dung Quất trong thời gian tới.
Trước đó, trong cuộc buổi Họp giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương, vấn đề tồn xăng dầu của Nhà máy đã được PVN đưa ra.
Theo ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng giám đốc PVN, hiện tại nhà máy Dung Quất đang tồn một lượng lớn xăng và dầu các loại do chính nhà máy sản xuất, ước tính lên đến hàng triệu m3, nguyên nhân là do các sản phẩm xăng, dầu sản xuất ra không bán được.
Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này, theo các doanh nghiệp đầu mối là rất khó khăn do việc ký kết nhập khẩu xăng dầu thông thường đã được công ty làm ngay từ đầu năm, và kế hoạch nhập hàng là cho cả năm để hạn chế thấp nhất những rủi ro do biến động giá. Vì vậy, trong thời gian này nếu chuyển sang nhập xăng, dầu của Dung Quất, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam sẽ phải phá hợp đồng với đối tác nước ngoài và đền bù với một mức khá lớn.