Wednesday, 30/10/2024
Lãnh đạo PVN trả lời chuyện ế xăng dầu
10/8/2010 7:45:00 AMTin trong nước

Quanh chuyện xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bị tồn kho trong khi các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, ông Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, từ nay đến cuối năm, lượng xăng dầu tồn kho sẽ lên tới 750.000 tấn.

Trả lời báo chí ngày 7-10, ông Thực cho biết, sẽ không có chuyện xăng dầu của Dung Quất ế nếu tổng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu bằng nhu cầu thị trường. Nhưng hiện nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm hơn 10% so với dự báo, trong khi sản xuất tại Dung Quất lại tăng cao hơn 25% so với dự báo. Sự chênh lệch này do cuối năm 2009, khi nhà máy đi vào vận hành, hoạt động thường trục trặc, cầm chừng, không chạy hết công suất.

Tới 30-5, nhà máy được bàn giao cho PVN. Sau khi nghiệm thu, nhà máy hoạt động hết công suất với sản lượng cao hơn khi chạy thử nghiệm dẫn đến tình trạng tồn kho đến thời điểm hiện nay là 70 nghìn tấn.

Theo ông Thực, trong quý IV nhà máy Dung Quất sẽ tiếp tục sản xuất 1,9 triệu m3 xăng, cộng với số tồn đọng sẽ đạt khoảng 2,1 triệu tấn. Trong khi hiện các doanh nghiệp trong nước mới đăng ký mua từ nay đến cuối năm tổng cộng gần 1,4 triệu tấn. Trong đó, riêng PV Oil đăng ký mua 885 nghìn tấn, Petec đăng ký 395 nghìn tấn, Petrolimex đăng ký 150 nghìn tấn. Ước tính lượng tồn kho sẽ lên tới 750.000 tấn.

Trước lượng tồn kho lớn này, PVN đã báo cáo Bộ Công Thương để có hướng giải quyết. “Từ nay đến cuối năm sẽ tồn kho khoảng 750 nghìn tấn. Chính vì vậy, chúng tôi báo động với các cấp rằng phải tìm biện pháp để giảm nhập khẩu, tăng tiêu thụ trong nước” - Ông Thực cho biết.

Về việc tại sao PVN chỉ giao cho 1 đầu mối để phân phối xăng dầu, theo Tổng giám đốc PVN, trong bối cảnh một máy chạy chưa ổn định, thay vì tập đoàn phải thành lập một bộ máy bên cạnh nhà máy Bình Sơn chuyên đi liên hệ với hàng chục đối tác khác nhau để lo việc bán xăng dầu với mức hoa hồng 0,2 USD/thùng là đúng.

Nếu lập riêng một bộ máy để đi làm riêng việc bán xăng dầu này thì chưa chắc đã làm được trong bối cảnh sản xuất đang thụt lùi.“Không có chuyện hoa hồng nhà máy này cao hơn nhà máy kia. Mức phí và mức giá bán cho các doanh nghiệp là thống nhất như nhau. Từ đầu năm đến nay đã có PV Oil rồi sau đó là Petec và cuối năm là Petrolimex sẽ tham gia phân phối xăng từ Dung Quất”-Ông Thực nói.

Đẩy mạnh thoái vốn khỏi hàng loạt đơn vị

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, ông Thực cho biết việc tái cơ cấu lại PVN được thực hiện từ cuối 2008 khi tình hình kinh tế thế giới suy thoái. Đặc biệt từ cuối 2009 và đầu 2010, PVN đẩy mạnh hơn việc thoái vốn theo nguyên tắc tập trung vào những lĩnh vực chính yếu của tập đoàn. Những lĩnh vực không chính yếu sẽ giảm và rút vốn.

Ví dụ như ở PVI (Bảo hiểm Dầu khí) tập đoàn sẽ không tập trung đầu tư và sẽ thoái vốn để giảm xuống còn 20%. Và sẽ giảm vốn xuống còn 30% với Cty Tài chính dầu khí. Lộ trình thực hiện giảm vốn từ 2010 đến 2015. Riêng Tổng Cty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam giảm xuống còn 36% trong năm nay. Việc thực hiện sẽ theo lộ trình để không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

“PVN đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư ngoài ngành của tập đoàn. Hiện tổng mức đầu tư ngoài ngành trên vốn điều lệ (177.680 tỷ đồng) của PVN chưa đến 5%”- Ông Thực cho biết.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.410
Xăng RON 95 - III
20.890
Xăng E5 RON 92 - II
19.690
Dầu DO 0,05S 18.050
Dầu DO 0,001S - V 18.310

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 24/10/2024

Giá dầu thô Brent