Wednesday, 30/10/2024
Điều hành, kinh doanh xăng dầu: Sính ngoại, quên nội?
10/7/2010 8:20:00 AMTin trong nước

Câu chuyện tồn kho xăng dầu của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước (nếu đạt 100% công suất thiết kế) mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ nội địa, 70% nguồn cung phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (NK).

Việc các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu đã không tiêu thụ hết lượng xăng dầu trong nước, trong khi vẫn phải bỏ ngoại tệ NK xăng dầu đã làm tăng tỉ lệ nhập siêu, không phát huy được năng lực đầu tư trong nước. Đây là bài học về quản lý, điều hành thị trường xăng dầu. 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất lọc dầu thành công nhưng lại bị... tồn kho. Ảnh: Duy Quân
Nhà máy lọc dầu Dung Quất lọc dầu thành công nhưng lại bị... tồn kho. Ảnh: Duy Quân

Sản xuất - lưu thông bất cập

Việc tiêu thụ xăng dầu của NMLD Dung Quất đã gặp trắc trở kể từ khi nhà máy này chính thức đi vào hoạt động (31.5.2010). Đầu tiên là việc sản phẩm xăng máy bay ZA1 của NM thay vì được các đối tác trong nước đón nhận nồng nhiệt, thì mẻ sản phẩm đầu tiên - 5.800 tấn xăng ZA1 lại được xuất bán cho Cty BP Singapore Pte. Ltd (thuộc Tập đoàn BP- Anh), sau đó là tập đoàn Shell. Trong bối cảnh VN vẫn phải NK 100% xăng máy bay, thì đối tác NK nhiên liệu bay trong nước lấy lý do, sản phẩm xăng ZA1 sản xuất trong nước chưa được sự phê chuẩn của nhà chức trách hàng không để được cung cấp lên máy bay.

Lần này, mấu chốt của việc tồn kho xăng dầu Dung Quất cũng là bởi trước đó, trong quá trình chạy thử từ đầu năm đến khi nghiệm thu chính thức, nhà máy này đã không sản xuất ổn định. Một trong những nguyên nhân là do trong quá trình chạy thử, nhà thầu Technip phải chịu phí tổn về nhiên liệu đầu vào, nên nhà thầu cũng vận hành nhà máy với đúng nghĩa “chạy thử”.

Chính vì không đạt đến công suất thiết kế ngay trong giai đoạn này và không ra sản phẩm ổn định, nên các đầu mối NK xăng dầu không thể trông cậy vào một nguồn phập phù như vậy. Tại cuộc họp giao ban sản xuất đầu tháng 10 tại Bộ Công Thương, bà Đàm Thị Huyền, Phó TGĐ Petrolimex khẳng định: “Với việc đảm bảo tới 50% nhu cầu thị trường, nên trong mọi tình huống, việc đảm bảo nguồn cung là quan trọng nhất. Ngay từ đầu năm, Petrolimex đã phải ký hợp đồng NK dài hạn với đối tác nước ngoài và không dễ gì đơn phương giảm lượng NK. Nếu giảm, chúng tôi phải chịu phạt hợp đồng rất lớn”.

Thêm vào đó, dự báo xăng dầu từ đầu năm cũng không chuẩn. Năm nay, các DN dự báo tổng nguồn cung xăng dầu trong nước tăng 10% so với năm trước, nhưng trên thực tế, việc này đã không xảy ra. Cầu không lớn, mà cung tăng đột biến (NMLD Dung Quất từ 31.5.2010) khiến sản phẩm của nhà máy bị tồn kho là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh sâu xa hơn, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, còn một nguyên nhân khác là việc chỉ định TCty Dầu VN (PV Oil)- đơn vị chuyên XNK xăng dầu thuộc PetroVietnam- làm đầu mối tiêu thụ xăng dầu Dung Quất cũng là một lý do khiến việc lưu thông xăng không hiệu quả. “Có thể do các DN NK cho rằng, vì được chỉ định bao tiêu nên PV Oil sẽ được hưởng hoa hồng lớn hơn các DN khác (trong khi đơn vị này cũng là 1/9 đầu mối NK, kinh doanh xăng dầu). Vì vậy, không loại trừ việc các DN kinh doanh xăng dầu không mặn mà tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất”, ông Tú nói.

Các DN xăng dầu phải giảm nhập khẩu

Không khẳng định việc “tẩy chay” tiêu thụ xăng dầu Dung Quất vì buộc phải mua qua trung gian, song một quan chức của TCty Xăng dầu cũng cho biết: Trong nhiều trường hợp, Petrolimex ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm qua PV Oil thì tất nhiên là sẽ khó cập nhật được đầy đủ kế hoạch sản xuất, cung ứng để chủ động lên kế hoạch kinh doanh, bằng việc trực tiếp giao dịch với nhà máy.

Trên thực tế, đã có những thời điểm số liệu giữa bên bán, bên mua không xác thực khiến bên mua khó chủ động trong kinh doanh. Ông cũng khẳng định, Petrolimex thậm chí đã lên kế hoạch cụ thể về cơ cấu tiêu thụ xăng dầu là 70% NK, tiêu thụ nội địa 30%, vì vậy không thể nói là chúng tôi không mặn mà, chỉ thích bán hàng NK.

Theo thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, thời gian qua, Petrolimex đã tiêu thụ xăng dầu Dung Quất, nhưng mới đạt khoảng 19% so với mức 28% theo kế hoạch đăng ký. Trong quý IV, Petrolimex phải tăng gấp đôi lượng sản phẩm tiêu thụ của Dung Quất, đồng thời giảm lượng xăng dầu NK, dù đã ký với đối tác. Các đầu mối tiêu thụ xăng dầu khác cũng phải tăng tương ứng lượng tiêu thụ nội địa, giảm NK. Hiện một số DN xăng dầu đầu mối đã gửi văn bản lên Bộ Công Thương xin điều chỉnh giảm kế hoạch nhập khẩu xăng dầu năm 2010. Việc tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ do các DN mua trực tiếp từ Cty lọc dầu Bình Sơn.  

Nhà máy lọc dầu Dung Quất không đủ kho chứa sản phẩm

Theo Cty lọc dầu Bình Sơn, hiện tại trong khu vực nhà máy chỉ thiết kế kho chứa dầu thô nguyên liệu, với 6 bể chứa, tổng công suất là 390.000 tấn. Hiện nhà máy đang bổ sung thêm 2 bể chứa nữa cũng chỉ đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động khoảng 2 tuần. Bên cạnh đó, phao rót dầu không bến (SPM) được thiết kế chỉ có thể đỗ được tàu dầu 110 nghìn tấn. Đây là loại tàu có sức chở trung bình, phù hợp với việc vận chuyển dầu thô từ mỏ Bạch Hổ ra vịnh Việt Thanh. Nhưng đến giai đoạn phải nhập dầu thô từ Trung Đông, các tàu chở dầu được tính toán sử dụng có hiệu quả kinh tế hơn phải có trọng tải từ 130-150 nghìn tấn.

Q.T

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.410
Xăng RON 95 - III
20.890
Xăng E5 RON 92 - II
19.690
Dầu DO 0,05S 18.050
Dầu DO 0,001S - V 18.310

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 24/10/2024

Giá dầu thô Brent