Wednesday, 30/10/2024
Tồn kho kiểu ấy, bao giờ thu hồi vốn đầu tư?
10/6/2010 2:54:00 PMTin trong nước

Một thông tin đáng chú ý được chính lãnh đạo tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nói ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến bộ Công thương ngày 4.10: các sản phẩm xăng dầu (các loại xăng, dầu DO, FO, nhiên liệu bay Z A1…) của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang tồn kho lớn, đến mức theo như ông này tả là “không còn chỗ chứa”.

Lượng xăng, dầu các loại tồn kho đã lên đến khoảng 750.000 tấn. Do hiện nay NMLD Dung Quất đã chạy đạt 100% công suất thiết kế, sản lượng vì thế dự kiến vượt 20% kế hoạch năm cho nên, theo PVN, nếu không xuất khẩu được và trong nước cũng không tiêu thụ hết, PVN chỉ còn nước cho nhà máy này chạy với công suất thấp hơn.

Vì sao lại xảy ra câu chuyện như vậy? Thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, rút kinh nghiệm năm 2009 (NMLD Dung Quất không đạt sản lượng theo kế hoạch), nên các công ty kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu đầu mối năm nay phải ký hợp đồng nhập khẩu xăng dầu với đối tác nước ngoài với số lượng đảm bảo được cho nhu cầu trong nước ngay từ đầu năm. Nhưng rủi thay, NMLD Dung Quất nay lại đạt sản lượng vượt kế hoạch trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế lại tăng thấp nên nếu các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập về đủ theo hợp đồng đã ký với bên ngoài là đã thừa đủ đáp ứng trong nước. Cho nên, nếu bây giờ huỷ bỏ hợp đồng với nước ngoài để mua xăng, dầu Dung Quất lại dẫn đến chuyện phải bồi thường hợp đồng. Thế nhưng, những người lãnh đạo, điều hành NMLD Dung Quất đã chẳng biết cái lẽ ấy, lại không báo cáo kịp thời khi sản lượng có thay đổi, cơ cấu chủng loại sản phẩm thay đổi… khiến bộ Công thương cũng “lúng túng trong chỉ đạo”, như lời ông Nguyễn Cẩm Tú nói.

Đây là một lỗi lẽ ra phải được phát hiện sớm để có những điều chỉnh cần thiết. Bởi lẽ, với một nhà máy có quy mô lớn như Dung Quất, trước khi có sự thay đổi, tăng sản lượng thực tế lên 20 – 30% vào quý 3 và quý 4, chắc chắn trước đó vài tháng ban lãnh đạo NMLD Dung Quất đã phải có sự chuẩn bị để bổ sung kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu thô (dầu thô trong nước không đáp ứng đủ), tăng nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu…

Nhà máy Dung Quất nay lại đạt sản lượng vượt kế hoạch trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế lại tăng thấp, nên nếu các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập về đủ theo hợp đồng đã ký với bên ngoài là đã thừa đủ đáp ứng trong nước.

Nhà máy Dung Quất nay lại đạt sản lượng vượt kế hoạch trong khi nhu cầu tiêu thụ thực tế lại tăng thấp, nên nếu các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập về đủ theo hợp đồng đã ký với bên ngoài là đã thừa đủ đáp ứng trong nước.

Theo thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, quanh chuyện này còn rất nhiều điều đáng nói như sản phẩm dầu madút của Dung Quất cũng còn chưa đạt một số chỉ tiêu chất lượng, nhiên liệu bay Z A1 thì nhà quản lý còn chưa làm đủ thủ tục đăng ký để tiêu thụ nội địa (dù Vietnam Airlines tuyên bố sẽ ưu tiên mua, sử dụng). Trong khi đó, PVN lại chỉ định tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), một công ty con của mình bao tiêu sản phẩm với mức hoa hồng tốt hơn, nên dù hiện nay đã có 9/11 công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu mua xăng dầu của nhà máy Dung Quất nhưng thực tế, các công ty này không mặn mà với việc giúp nhà máy này tiêu thụ nhiều hơn, giải quyết số hàng tồn kho.

Lãnh đạo bộ Công thương đã triệu tập lãnh đạo các cục, vụ liên quan, lãnh đạo PVN, các công ty nhập khẩu xăng dầu để bàn cách giải phóng hàng tồn của NMLD Dung Quất. Với những mệnh lệnh rõ ràng như tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải nâng mức tiêu thụ xăng dầu Dung Quất lên gấp đôi, các công ty xăng dầu khác cũng phải tăng lượng mua…nhưng với các doanh nghiệp này, có chấp hành cũng là chuyện gượng ép. Bà Đàm Thị Huyền, phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết, nếu phải huỷ hợp đồng với đối tác xăng dầu bên ngoài để mua xăng dầu của Dung Quất sẽ gây thiệt hại lớn. Nhưng vấn đề lớn nữa, theo bà Huyền, không đơn giản chỉ là mua, để giải phóng kho, chỗ chứa cho NMLD Dung Quất mà tìm phương án tiêu thụ số sản phẩm mua từ nhà máy này cũng là một vấn đề khó.

Tuy nhiên, dù có khó thế nào, các nhà quản lý của bộ Công thương, tập đoàn PVN vẫn phải tìm cách giải quyết ổn thoả. Bởi đây là một công trình quan trọng hàng đầu của quốc gia nhằm sản xuất, cung ứng các sản phẩm xăng, dầu thay thế một phần nhập khẩu. Có thể hình dung, nếu nhà máy này vận hành tốt, cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng ra thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các hàng hãng không như Vietnam Airlines giảm sức ép huy động ngoại tệ. Hơn nữa, còn giúp giảm nhập siêu, cân bằng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Nhưng để xảy ra tình trạng sản phẩm bị tồn ứ lớn như vậy quả là điều rất bất thường. Nó cho thấy, chủ đầu tư – tập đoàn PVN chưa có sự chuẩn bị kỹ về việc tìm các đầu mối, kênh tiêu thụ sản phẩm cho nhà máy. Nếu tình trạng này kéo dài, người ta sẽ càng có cơ sở để để lo ngại rằng, NMLD Dung Quất là một khoản đầu tư lớn (tổng vốn 3 tỉ USD) nhưng kém hiệu quả của ngân sách.

Mạnh Quân

Cơ chế phân phối sản phẩm xăng dầu chưa minh bạch

Tại cuộc họp báo sáng 5.10, trong các lĩnh vực xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho rằng, trên lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu, bình ổn thị trường xăng dầu và thép của bộ Công thương cũng đã để xảy ra nhiều thiếu sót nghiêm trọng.

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường theo chỉ đạo của bộ Công thương không tăng giá thép đối với tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) còn hạn chế. Hạn chế này dẫn đến hiệu quả công tác bình ổn chưa cao, người tiêu dùng, các công trình xây dựng chưa tiếp cận được giá bán theo chỉ đạo, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp (VNS) bị giảm nhiều, ảnh hưởng đến nguồn vốn, nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Chỉ tính riêng năm 2008 VNS lỗ khoảng 500 tỉ đồng lợi nhuận, riêng công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên lỗ gần 200 tỉ đồng.

Tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong giai đoạn chạy thử được bộ Công thương có văn bản về nguyên tắc thực hiện phương án tiêu thụ. Nhưng đến khi kiểm tra phương án tiêu thụ đã bộc lộ một số bất cập, không hợp lý, không đảm bảo tính kinh doanh. Thế nhưng, trong văn bản thông báo kế hoạch sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2010, tập đoàn Dầu khí vẫn khẳng định tổng công ty Dầu Việt Nam làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất. Để khắc phục hậu quả trên, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, bộ Công thương đề xuất trong thời gian chạy thử yêu cầu tập đoàn Dầu khí thiết lập quy chế tiêu thụ sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất và công khai, minh bạch cơ chế giá bán cho các thương nhân đầu mối có nhu cầu mua sản phẩm. Thế nhưng, qua kiểm tra cơ chế phân phối sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất chưa được xây dựng, ban hành. “Từ việc này cho thấy công tác chỉ đạo của bộ Công thương còn bất cập, chưa tạo sự minh bạch trong kinh doanh, kiểm soát các khoản thu của ngân sách Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Sản, phó tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Một thực tế được Thanh tra Chính phủ nhận xét là hai năm qua, bộ Công thương chưa hề triển khai đoàn thanh tra nào về hoạt động kinh doanh xăng dầu, chưa kiểm tra đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (11 doanh nghiệp) là chưa thực hiện tốt công tác quy định về thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong lĩnh vực thép cũng vậy.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, bộ Công thương phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm những yếu kém trên, đồng thời xem xét, xử lý đối với những dự án sản xuất thép chậm triển khai không có lý do chính đáng.

Lệ Hà


Liên quan đến vụ Tamiflu: chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Sản, phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, kết luận về những sai phạm trong kế hoạch mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate là hoàn toàn có cơ sở. Việc những cá nhân, tập thể liên quan lên tiếng trong thời gian qua là việc bình thường. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn chưa có chỉ đạo. Sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ sẽ thông báo rộng rãi.

Cũng liên quan đến ngành y tế, ông Vũ Hồng Khanh, phó vụ trưởng vụ Văn hoá xã hội (vụ 3) – Thanh tra Chính phủ cho biết, trong việc thu, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn buông lỏng. Đợt thanh tra trong năm 2009 đã phát hiện việc đấu thầu thuốc sai quy định của bảo hiểm xã hội và bảy tỉnh thành. Theo quy định, giá thuốc trúng thầu không vượt quá giá thuốc đấu thầu. Thế nhưng, bộ Y tế lại không cung cấp giá thuốc, website của cục Quản lý dược (bộ Y tế) giá thuốc cung cấp bất cập, không kịp thời. Đoàn kiểm tra đã phải tới khảo sát giá thuốc tại các cửa hàng thuốc, tại các địa phương kiểm tra. Kết quả cho thấy, có thuốc chênh giá tới 100%. Đợt kiểm tra mới đây của Thanh tra Chính phủ tại 59 tỉnh thành cũng cho thấy, việc thu và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có sai phạm. Kết quả thanh tra sẽ được công bố vào tháng 11 tới.

L. Hà

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.410
Xăng RON 95 - III
20.890
Xăng E5 RON 92 - II
19.690
Dầu DO 0,05S 18.050
Dầu DO 0,001S - V 18.310

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 24/10/2024

Giá dầu thô Brent