“Giá rẻ mà không có hàng để mua thì dân sao có lợi”?, tại buổi giao lưu trực tuyến về cơ chế minh bạch giá xăng dầu do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20.12, ông Tú đặt câu hỏi như vậy. Ông nói: với người dân cái gì quan trọng, giá hay có xăng dầu để mua? Rồi ông trả lời thông qua dẫn câu chuyện thời... bao cấp: “Khi ấy giá rẻ như cho mà chả có hàng bán, thì dân có lợi không? Đôi khi có chút hàng thì rồng rắn xếp hàng mà không mua nổi. Rồi không phải đâu cũng có hàng mà xếp hàng, có khi đi cả chục cây để xếp hàng. Cho nên, điều quan trọng trong điều hành xăng dầu là trước hết phải có hàng, mua ở nơi thuận lợi, sau cùng mới đến yếu tố giá hợp lý (!?)”
Ông Tú cũng nói rằng ai nói giá xăng dầu chưa minh bạch là phiến diện bởi, “chỉ cần một giây mở tờ Thị Trường Hàng Ngày, xem giá cơ sở, rồi so với giá bán hôm ấy là biết ngay”.
Còn ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, lý giải cho việc giá thế giới giảm trong khi giá xăng dầu trong nước chưa giảm, như sau: chính sách thuế được vận hành thiên về bình ổn giá. Nghĩa là khi giá thế giới cao thì Chính phủ hạ thuế để làm giá bán thấp, thậm chí nhiều lúc bằng không, nên đương nhiên khi giá thế giới hạ thì bộ Tài chính điều chỉnh sắc thuế lên. “Điều này làm cơ hội hạ giá không còn, dẫn đến bức xúc của dư luận là có lý do”, ông Bảo nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng cục Quản lý giá (bộ Tài chính) cho biết, nghị định sửa đổi nghị định 84 mà liên bộ Tài chính – Công thương sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 này sẽ rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở còn 15 ngày, “để không bị lỗi thời so với tín hiệu của thị trường thế giới”. Theo ông Tuấn, vừa qua có lúc tín hiệu giá xăng dầu thế giới giảm nhưng ta chưa giảm khiến dư luận bức xức, song “vì theo nghị định 84 thì cách tính giá cơ sở phải đủ chu kỳ bình quân 30 ngày, mà lúc ấy do chưa đủ 30 ngày nên không thể giảm giá”, ông Tuấn giải thích.