Khi được hỏi về vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu ông Tú nói: “Tôi thay mặt cơ quan quản lý nhà nước xin lỗi anh Bảo”. Lý giải cho lời xin lỗi này, ông Tú nói, Nghị định 84 quy định giá dưới 7% do quyền điều hành của doanh nghiệp (DN), nhưng thực tế nhà nước vẫn nắm quyền điều hành giá. Như cảm thấy chưa đủ, ông Tú lại tiếp tục: “Một lần nữa chúng tôi nhận lỗi với anh Bảo. Công cụ điều chỉnh giá còn ít, nên chúng ta điều hành giá có lúng túng nhất định, lại theo đuổi nhiều mục tiêu, gây giật cục trong điều hành, mà anh là nạn nhân”.
Trước câu hỏi về tính minh bạch của thị trường xăng dầu, ông Tú nhấn mạnh: “Những ai cho rằng giá xăng dầu không minh bạch, xin dành 1 giây đồng hồ, giở bất kỳ một tờ thị trường nào ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của xăng dầu theo đúng công thức của Bộ Tài chính. Không thể nói là không minh bạch”. Minh họa thêm, ông Bảo nói, mỗi lần điều chỉnh đều có họp báo công bố các con số rất minh bạch. “Nhưng chỉ minh bạch tại thời điểm đó, nhìn cả chu kỳ lại không minh bạch, vì tất cả những yếu tố (thuế, phí...) không theo chuẩn mực nào”. Điều này thể hiện rõ nếu nhìn lại kết cấu giá của năm 2012. Đó là giá bình quân của thế giới tăng 3% nhưng giá bình quân xăng trong nước tăng 11%. Nguyên nhân là thuế, tỷ giá và giá thế giới cùng “chạy” đã ảnh hưởng đến giá trong nước.
Đẩy vấn đề sang thuế, ông Bảo cho rằng, việc vận hành thuế lâu nay thiên về bình ổn giá, khi giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế, nhiều thời điểm xuống 0% để giá bán thấp dẫn tới giá bán sẽ không theo xu thế thế giới. Đơn cử 6 tháng đầu năm 2012, gần như thuế bằng 0 và phải sử dụng quỹ bình ổn giá để tránh giá tăng cao. Nhưng khi giá thế giới hạ, Bộ Tài chính lại điều chỉnh thuế tăng lên nên cơ hội giảm giá không còn. Do đó nếu nhìn cả chu kỳ dài thì có vẻ không minh bạch.
Theo ông Bảo, để giải quyết tình trạng tăng nhanh giảm chậm của giá xăng, phải ổn định thuế với mức thuế tuyệt đối. Tuyệt đối không phải là con số mà theo tỷ lệ, nhân với giá dầu định hướng để ra một con số áp trong vòng 6 tháng hay 1 năm. Tuy nhiên, ông Tú lại cho rằng, thuế là công cụ điều tiết giá, trước hết phải đáp ứng mục tiêu bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ rồi mới tới thu ngân sách. Vì thế, nếu giữ mức thuế cố định hoặc thu thuế tuyệt đối thì chỉ có lợi cho Bộ Tài chính trong việc thu ngân sách mà không thể duy trì giá xăng dầu thấp như 2 năm qua.
Trước nhiều câu hỏi tại sao Nghị định 84 từ năm 2009 đã đặt vấn đề minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được, ông Tú cho rằng: “Xây dựng thị trường cạnh tranh xăng dầu là một quá trình dài, chúng ta mới đang ở tầng hầm, hoặc gần tầng 1 của ngôi nhà” (!).