|
Minh Họa của Khều. |
Tái xuất Trung Quốc nhưng bán trong nước
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), năm 2012, cơ quan này đã lập chuyên án để điều tra về đường dây buôn lậu xăng dầu sang Trung Quốc thông qua con đường tạm nhập - tái xuất.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Thu thập xử lý thông tin - Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết: “Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để chuyển sang cơ quan điều tra khởi tố hành vi gian lận, trốn thuế của Cty Vinapco liên quan lô hàng 422.000 lít xăng RON 92 tạm nhập-tái xuất. Những tài liệu, chứng cứ mà chúng tôi thu thập được cho thấy, có đủ cơ sở để khởi tố các đối tượng về tội buôn lậu (theo điều 153 Bộ luật hình sự) và tội vận chuyển trái phép (điều 154 Bộ luật hình sự)”.
Theo ông Thọ, trong 4 ngày, từ 7 đến 10-7-2012, Vinapco đã liên tiếp mở 7 tờ khai tái xuất 422.000 lít xăng RON 92 tại Cục Hải quan Hải Phòng để đi cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) giao cho khách mua hàng là Cty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải (Trung Quốc).
Lô xăng này có trị giá 8 tỷ đồng, đã được doanh nghiệp tạm nhập và giữ trong kho chứa tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Nhưng ngay sau khi mở tờ khai, 7 xe bồn chứa số hàng này đã chạy thẳng đi các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên để tiêu thụ trong 2 ngày. Qua đó, đã trốn khoảng 2,5 tỷ đồng tiền thuế.
Cuối tháng 7-2012, theo nguồn tin mật báo, hải quan đã rà soát, điều tra và phát hiện lô xăng RON 92 trên không tái xuất. Người mua hàng phía Trung Quốc cũng không có thực tại địa chỉ mà Vinapco đã khai báo.
Khi “đánh hơi” thấy bị lộ, các đối tượng buôn lậu đã mượn lô xăng của một công ty kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội, bơm vào đúng 7 xe bồn và đóng lại kẹp chì cũ. Ngày 1-8, họ thông qua Vinapco để làm thủ tục nhập lại 422.000 lít xăng này với lý do “không làm được thủ tục tái xuất vào Trung Quốc”.
“Qua điều tra, chúng tôi đã xác minh được một số đối tượng là cá nhân đứng sau vụ việc, nhưng hiện chưa thể công bố danh tính. Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng cho thấy, họ chủ động gian lận và chuẩn bị cả phương án hợp pháp hóa lô hàng nếu bị phát hiện” - ông Thọ nói.
Ngày 26-11, Cục điều tra chống buôn lậu đã làm việc với đại diện Vinapco. Tuy nhiên, nội dung buổi làm việc không được tiết lộ.
Siêu lợi nhuận
|
Cty Xăng dầu Hàng không là một doanh nghiệp Nhà nước nhưng lại lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để buôn lậu xăng dầu, theoTổng cục Hải quan. Ảnh: Đình Thắng. |
Một cán bộ kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu tại Hải Phòng cho biết:“Nếu tiêu thụ trót lọt những lô hàng tạm nhập nhưng không tái xuất thì bọn buôn lậu có thể trốn được tiền thuế rất lớn.
Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng 12%, thuế VAT là 2.000 đồng/lít, phí môi trường 1.500 đồng/lít. Họ sẽ bán xăng rẻ hơn giá của doanh nghiệp chúng tôi tới 1.000 đồng/lít”.
Mức lợi nhuận này cao gấp 3 lần lợi nhuận định mức (quy định là 300 đồng/lít) của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cao hơn mức hoa hồng chiết khấu cho đại lý.
Do vậy, theo cán bộ này, các cây xăng thường mua nguồn hàng lậu hoặc mua hàng lậu xen kẽ hàng nhập hợp pháp để kiếm lời lớn.
Thực tế, việc hợp pháp hóa nguồn gốc hàng lậu qua đường biển hay đường bộ cũng khá dễ.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan từng xác nhận với Tiền Phong:“Thông qua hình thức tạm nhập tái xuất, các đầu nậu đã dễ dàng ngụy trang cho việc buôn lậu xăng dầu trên biển. Khi bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu đều thòng sẵn bộ chứng từ khống để hợp pháp nguồn gốc lô hàng”.
Còn qua đường bộ, khi có nguy cơ bị lộ, các đối tượng mới phải dùng cách “tráo hàng” trong xe bồn và nhờ một công ty kinh doanh xăng dầu để làm thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, nhằm xóa dấu vết lô hàng đã bán trước đó.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng năm 2012, có 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã tạm nhập 1.725.000 tấn xăng dầu, nhưng tái xuất 1.180.000 tấn.
Như vậy, khoảng 545.000 tấn xăng dầu không tái xuất, mà có khả năng đã tiêu thụ trong nội địa. Tổng cục Hải quan đã rà soát toàn bộ hàng tạm nhập - tái xuất, trong đó có xăng dầu nhập từ năm 2009-2012.
Lý giải về sự hiếm hoi của số vụ buôn lậu xăng dầu bị xử lý, ông Thọ cho biết: “Rất khó điều tra các vụ gian lận xăng dầu theo hình thức tạm nhập- tái xuất. Từ xử lý hồ sơ, tìm dấu hiệu đến khi điều tra, thu thập chứng cứ có thể mất 1 năm. Bắt quả tang các đối tượng buôn lậu cũng không hề dễ. Sau đó, hải quan phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để khởi tố”.
Hiện nay, doanh nghiệp chỉ được tái xuất xăng dầu qua đường bộ sang Lào, Campuchia, đã dừng tái xuất sang Trung Quốc từ ngày 7-9. Hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển đã bị cấm từ tháng 8 và chỉ được phép xuất nhiên liệu phục vụ tàu nước ngoài.
Cách đây không lâu, lô hàng 2.000 tấn xăng dầu tạm nhập- tái xuất qua đường biển do Vinapco làm thủ tục mở tờ khai cũng bị lực lượng chống buôn lậu (thuộc Tổng cục Hải quan) bắt quả tang khi đang bơm xăng vào 3 tàu biển để tiêu thụ nội địa. Theo khai báo, lô hàng được tái xuất cho một công ty ở Trung Quốc. Nhưng thực tế, công ty này không tồn tại.
|