Sau khi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị định số 84, ngày 19-7-2012 Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 259/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong đó yêu cầu tiếp tục thực hiện Nghị định số 84 đến hết năm 2012, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84.
Hiện nay các bộ đang tiến hành các công việc theo quy định của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật như đánh giá tình hình thực hiện, xác định những định hướng cần sửa đổi bổ sung, lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành và sau đó hoàn chỉnh dự thảo Nghị định.
Do Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu nên sẽ là Bộ chủ trì phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung Nghị định này. Bộ Tài chính chỉ tham gia một khâu là phối hợp với Bộ Công Thương trong công tác quản lý giá xăng dầu.
Mục tiêu tổng quát của việc sửa đổi, bổ sung là tạo lập một môi trường pháp lý công khai, minh bạch, bảo đảm để việc kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước.
Để thực hiện được mục tiêu đó thì điều đầu tiên là phải xem xét sửa đổi, bổ sung các điều kiện quy định về kinh doanh xăng dầu để tạo thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, cùng cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng độc quyền, thống lĩnh thị trường;
Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thực hiện các quan hệ mua, bán giữa các đầu mối kinh doanh xăng dầu với các Tổng đại lý, đại lý; các hình thức can thiệp của Nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời để tạo lập một thị trường xăng dầu tuân thủ theo quy luật giá cả cạnh tranh...
Cụ thể sẽ sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu như: Quản lý chặt chẽ kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu và kinh doanh xăng dầu trên lãnh thổ Việt Nam; Tiếp tục cơ cấu lại thị trường xăng dầu đồng thời xem xét, sửa đổi bổ sung các điều kiện quy định về kinh doanh xăng dầu để tạo ra thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, cùng cạnh tranh, tiến tới loại bỏ tình trạng thống lĩnh thị trường.
Ngoài ra, sẽ nghiên cứu để có thể rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở (hiện nay phải phụ thuộc vào chu kỳ dự trữ lưu thông xăng dầu là 30 ngày) để bám sát hơn biến động của giá xăng dầu thế giới; Nghiên cứu quy định mức thù lao, hoa hồng đại lý, quy định chi phí kinh doanh xăng dầu phù hợp với tình hình thực tiễn; Nghiên cứu việc chuẩn hóa việc thực hiện đăng kỳ giá bán xăng dầu của các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về giá. Ngoài ra, sẽ bổ sung các quy định kiểm tra, kiểm soát công bố minh bạch thông tin và chế tài xử lý vi phạm.
Trong đầu tháng 12 tới đây, Bộ Tài chính sẽ chính thức có văn bản kiến nghị định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 gửi sang Bộ Công Thương để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ.