Việc ký kết hợp đồng diễn ra ở Caracas, thủ đô Venezuela, cách Tổ hợp
dầu mỏ khổng lồ Orinoco của Venezuela gần ngàn cây số, nơi có mỏ dầu
Junin 2. Tổ hợp Orinoco hợp sức cùng mấy tổ hợp dầu mỏ khác đưa đất
nước Venezuela đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất dầu mỏ.
Bình nguyên Oricono thoai thoải đã bắt đầu bớt hoang
vắng bởi ngày càng đông những tập đoàn dầu khí hùng mạnh đa quốc gia tới
làm ăn.
Tình cờ giữa nơi đất khách quê người vời vợi này lại
gặp đồng hương. Hiến quê ở thị trấn Còng, xứ Thanh. Ngồi chuyện với Hiến
mà đôi lúc cứ thần người nghĩ chỉ có sự công cuộc làm ăn thời đổi mới
thì người ta mới có sự chuyển dịch như chim thế này.
Ra biển lớn
Mới có mấy năm ngành dầu khí ta đã có mặt ở 13 quốc gia
khắp mọi châu lục để bàn soạn thực thi phương án thăm dò khai thác. Năm
2004, trong một chuyến công tác, tôi may mắn được có mặt ở Biasaba miền
Tây Angiêri thuộc vùng cát nóng của sa mạc Sahara.
Tại đây, trong tổ hợp thăm dò khai thác khu mỏ dầu lớn
nhất Angiêri có nhiều đối tác của nước ngoài, bỗng chợt thấy người Việt
mình sang hẳn khi có mấy giếng dầu của Petro Viet Nam (PVN) đang ở công
đoạn thẩm định trữ lượng chuẩn bị bước vào khai thác.
Tại đây tôi gặp anh chàng Hiến kỹ sư xây dựng đang được
phân công tham gia việc xây cất những giếng dầu trên sa mạc khổ 72mx
72m. Những cái giếng khổng lồ lại có tường bao cao 2 mét để chắn cát và
ngăn lạc đà trên sa mạc.
Giờ đây, việc khai thác dầu nặng ở Junin 2 không vất
như việc moi dầu ở xứ Sahara nhưng cũng có lắm thứ nặng nề khó khăn.
PVN trong Liên doanh phải khoan tới 890 giếng khai thác chia làm 66 nền
khoan. Diện tích 150mx150m một nền.
Tôi không mấy khoái cụm từ đi tắt đón đầu, nghe như có
hơi hướng chi đó không đàng hoàng (!?). Nhưng qua những thông tin từ
anh chàng Hiến này thấy việc tiên liệu về chiến lược về an ninh năng
lượng của PVN có lắm thứ khoát hoạt. Đang ở một đơn vị chủ công thăm dò
khai thác dầu khí PVEP (PVEP mỗi năm góp đến 40% sản lượng toàn ngành),
Hiến và nhiều cán bộ kỹ thuật được nhấc sang Angiêri. Sau 3 năm ở sa mạc
Sahara, Hiến lại được triệu về để đi học tiếng Tây Ban Nha tận Cuba.
Cùng học tiếng với Hiến có nhiều cán bộ kỹ thuật và
nhiều con em trong ngành dầu khí. Lớp người trẻ được tuyển dụng rồi được
đào tạo cẩn thận để PVN dùng vào việc dài hơi sau này!
Vậy nên không ít ý kiến xì xào ngoài ngành lẫn trong
nghề cho rằng học tiếng Tây Ban Nha trong lúc ngành đang bao thứ bộn bề
thì có vẻ như PVN đang chơi cái việc hơi bị lãng mạn? Nhưng bây giờ bập
vào việc ký kết triển khai Hợp đồng khai thác mỏ dầu Junin 2 với trữ
lượng 1.400 tỷ thùng này, nếu không mất ngần ấy thời gian chuẩn bị nguồn
nhân lực thì bây giờ sẽ sổng mất thời cơ vàng!
Từng rã rời trên những chặng bay phải transit
từ Hà Nội sang Caracas hàng mấy chục ngàn cây số đường trời để biết cánh
thợ kỹ thuật công nhân mình đi đi về về mà hãi! Ngồi nghĩ đến chế độ
mỗi năm như anh chàng Hiến được đâu ba bốn lần đi phép, nghĩ đến mớ
tiền vé máy bay mà PVN phải lo thấy cũng hợp nhẽ cho thứ lao động dầu
khí đặc thù mà trên thế giới đã thành thông lệ.
Đã đành anh em phải được hưởng thông lệ ấy nhưng tôi
lại đang lẩn mẩn một thứ khác! Ấy là vác hàng tỷ USD sang góp vốn làm ăn
ở xứ người là táo gan trong thời buổi này. Nhưng sáu bảy năm không có
lãi cụ thể, không thu hồi được vốn trong lúc nguồn ngân sách ta còn eo
hẹp là một cái lỗi lớn.
Vậy nên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt
Nam Đinh La Thăng chỉ đạo ráo riết là phải đạt được những thỏa thuận với
Bộ Năng lượng quốc gia Venezuela mà những thỏa thuận đó phải được ghi
rõ trong hợp đồng thì mới đặt bút để ký Junin 2!
Những thỏa thuận ràng buộc ấy là sau 3 năm phải thu
được dầu. 7 năm Junin 2 phải có mức đầu tư 8 tỷ USD. Phải làm ăn có lãi
và thu hồi vốn. Ngoài những sắc thuế hợp lý để Liên doanh làm ăn có lãi
còn đề phòng trường hợp rủi ro sự cố.
Trở lại việc thuê công nhân và chuyên gia bản địa. Cứ
cho là sẵn tiền đi, nhân công, thợ kỹ thuật và cả lao động phổ thông của
bạn cũng đang gặp khó khăn không dễ thuê. Tôi nhẩm tính nội một cái
giếng thẩm lượng hay khai thác gì đấy nằm trong số hàng trăm giếng, chỉ
riêng dịch vụ khoan và chi phí xây dựng như anh chàng Hiến cho hay, nếu
thuê phải cỡ 2 triệu USD! Còn đưa từ Việt Nam sang?
PVN từng điều chuyển các sắc thợ lẫn cán bộ kỹ thuật
trong phạm vi thăm dò khai thác hàng trăm hàng ngàn cây số nhưng là địa
bàn của quốc nội. Còn bây giờ (nếu điều chuyển thợ quốc nội) thì là hàng
ngàn sắc thợ phải làm cuộc thiên di hàng chục ngàn cây số đường trời
đường biển?
Mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng sản lượng khai thác dầu khí, tăng nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ một câu trong Nghị quyết mang tầm chiến lược như thế là cả một chặng gian nan của PVN.