Thiếu mức thù lao tối thiểu
Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng, dầu, thay thế cho Thông tư số 234 đang bộc lộ nhiều bất cập.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định, chi phí kinh doanh định mức, gồm thù lao cho tổng đại lý, đại lý khi giao xăng dầu do doanh nghiệp đầu mối thỏa thuận nhưng thù lao không được vượt quá 50% mức chi phí kinh doanh định mức và được điều chỉnh phụ thuộc vị trí, mức đầu tư và lượng bán ra của từng cửa hàng.
Quy định này được đánh giá là hợp lý giúp ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp đầu mối đẩy thù lao đại lý lên cao nhằm tăng lượng bán ra khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương cơ chế áp mức phí trần này vẫn chưa đủ mạnh, cần quy định thêm mức thù lao tối thiểu, tránh trường hợp doạm nghiệp đầu mối giảm thù lao đại lý xuống thấp để giảm thiểu lỗ khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Bộ Công Thương cho rằng, mức này có thể tính tương đương 30% mức chi phí kinh doanh định mức, giao xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Việc quy định như vậy sẽ ngăn chặn được tình trạng găm hàng.
Để công khai minh bạch trong tính toán giá cơ sở, Bộ Tài chính cũng cần đưa ra mức cụ thể của chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận với mức truớc thuế của doanh nghiệp. Ví dụ có thể quy định điều chỉnh định mức chi phí kinh doanh là 860 đồng/lít, kg, lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, kg.
Con số cụ thể này sẽ được Bộ Tài chính điều chỉnh và công bố tại thời điểm tháng đầu tiên hàng năm hay quý I hàng năm và đưa ra nguyên tắc, cơ sở tính toán để điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.
Nghiên cứu thêm về Quỹ bình ổn
Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, dự thảo mới của Bộ Tài chính đã cho thấy điểm tích cực khi đưa ra một kịch bản trích lập, sử dụng Quỹ minh bạch hơn.
Theo đó, khi có biến động về giá xăng dầu, tổ giám sát liên ngành sẽ có trách nhiệm quy định mức trích quỹ thấp hơn quy định hoặc tạm thời ngừng trích quỹ khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá hiện hành hoặc việc tăng giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân.
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm tính lãi suất đối với số tiền quỹ bình ổn giá được trích lập theo mức lãi suất huy động của ngân hàng thương mại, kỳ hạn 1 tháng.
Trong trường hợp số dư của quỹ bình ổn giá không còn, doanh nghiệp đầu mối được bù đắp bằng mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại áp dụng cho các tổ chức kinh tế vay kỳ hạn 1 tháng. Phần chênh lệch quỹ bị âm sẽ được bù đắp lại từ tiền trích quỹ trong thời gian tiếp theo.
Theo Bộ Công Thương, cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về việc chỉ sử dụng Quỹ bình ổn trong trường hợp quỹ dương. Bởi vì Quỹ bình ổn là do người tiêu dùng đóng góp để sử dụng vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trên thị trường. Khi Quỹ bị âm, nếu tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải bỏ vốn kinh doanh để bù lỗ, vừa không đúng với bản chất của Quỹ, vừa tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp./.