Theo đại biểu Lê Thị Nga, việc điều hành xăng dầu thời gian qua gây bức xúc rất nhiều cho nhân dân và dư luận. Trong khi đó, lời hứa của của Bộ trưởng Bộ Công thương về sửa đổi Nghị định 84, sau một năm vẫn chưa được thực hiện. “Tại sao với những lĩnh vực thiết yếu khác như như điện, Chính phủ đề nghị Quốc hội xây dựng Luật mà xăng dầu Chính phủ vẫn kiên trì điều hành bằng văn bản dưới luật. Đề nghị xây dựng thành luật để giám sát tốt hơn”.
Theo đại biểu Lê Thị Nga, hiện trên thị trường có 12 DN xăng dầu đầu mối, song 90% thị phần lại thuộc về 3 DN lớn, đặc biệt, riêng Petrolimex chiếm thị phần tới 60%. Trên thực tế, mỗi lần DN xăng dầu tăng, giảm giá đều có biểu hiện bắt tay ấn định giá, vi phạm luật cạnh tranh. Những yếu tố này đã đầy đủ dấu hiệu để Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh với DN có thị phần thống lĩnh thị trường . Tuy nhiên, do cả Cục Quản lý cạnh tranh lẫn Petrolimex đều thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương, nên đến nay vẫn chưa có cuộc điều tra nào diễn ra. Tình trạng này kéo dài khiến Nhà nước luôn bị DN xăng dầu gây sức ép tăng giá, còn người dân thì luôn chịu thiệt thòi.
Trước biểu hiện vừa đá bong, vừa thổi còi trong quản lý xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh, cử tri đang đặt câu hỏi về dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực xăng dầu. Vì vậy, đề nghị Bộ Công an vào cuộc kiểm tra những DN xăng dầu. Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị, Quốc hội cần xây dựng Cơ quan giám sát thị trường độc lập, tách khỏi cơ quan quản lý nhà nước.
Liên quan đến vấn đề tạm nhập, tái xuất xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất thời gian qua không được kiểm soát, thiếu minh bạch. Những sai phạm trong tạm nhập tái xuất chủ yếu được phát hiện bởi báo chí, khiến dư luận nghi ngờ năng lực kiểm tra của cán bộ quản lý thị trường có vấn đề hay đã cố tình tiếp tay cho sai phạm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình, theo quy định, Hội đồng cạnh tranh là do Thủ tướng Chính phủ điều hành, không phải thuộc quản lý của Bộ Công thương. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Cạnh tranh. “Chúng tôi cũng nhận thức rằng, Cục Quản lý cạnh tranh đặt trong Bộ Công thương là không hợp lý, nên chúng tôi đang xem xét đề nghị tách Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương, trực thuộc Hội đồng canh tranh”, Bộ trưởng khẳng định.
Về vấn đề tạm nhập, tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là điều cần thiết vì do điều kiện địa lý, một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia yêu cầu Việt Nam cung cấp xăng dầu. Hơn nữa, các máy bay, tàu thủy vào Việt Nam cũng có nhu cầu tạm nhập, tái xuất xăng dầu. Việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu không chỉ do Petrolimex mà còn nhiều DN khác đảm nhận. Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua có một số trường hợp lợi dụng tạm nhập tái xuất xăng dầu để trục lợi. Lực lượng cán bộ quản lý thị trường và hải quan đã phát hiện, nghiêm túc xử lý. Trước mắt, liên Bộ Công thương và Tài chính đã thống nhất ban hành quy định chỉ cho phép hoạt động tạm nhập tái xuất theo nhu cầu đối ngoại và tàu thuyền, máy bay nước ngoài.
Về thị phần của các DN kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng cho hay, hiện có 12 đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo Nghị định 84, Nhà nước không hạn chế đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có DN đề nghị thành lập thêm. Việc một số DN chiếm thị phần lớn trên thị trường, theo Bộ trưởng là do lịch sử để lại, và do DN này có nhà máy lọc dầu.