Theo ông Huệ, sở dĩ xăng được áp thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng xa xỉ bởi xăng dầu là nguyên liệu không tái tạo nên đòi hỏi người dân phải tiết kiệm chi tiêu. Trên thế giới đều thu loại thuế này với xăng dầu, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ đánh thuế đặc biệt với mặt hàng xăng, còn dầu ảnh hưởng chủ yếu sử dụng cho sản xuất nên chúng ta chưa áp dụng.
Bộ trưởng Huệ cũng cho biết mức thuế này với xăng ở Việt Nam bằng hoặc thấp hơn một số nước trong khu vực. Chẳng hạn như Hong Kong thu 0,7 USD/lít, Úc 0,5 USD/lít,... trong khi Việt Nam chỉ 0,1 USD/lít, bằng với Thái Lan, Trung Quốc,...
Tuy nhiên theo ông Huệ, sắp tới Bộ Tài chính sẽ tính đến phương án rà soát, đề xuất theo hướng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
Liên quan đến phương thức điều hành giá, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng vọt 2,2%, ông Huệ cho rằng bài học kinh nghiệm lớn nhất là khâu dự báo khiến cơ quan quản lý không lường trước được bởi trước đó tháng 7 và 8 chỉ số giá đều âm. Bên cạnh đó, việc các địa phương quyết định tăng giá viện phí, học phí cùng lúc trong tháng 9 đã áp lực lên giá tiêu dùng. “Giá mà dịch vụ y tế tăng vào tháng 7 thì tốt hơn” - ông Huệ nói.