Vạch rõ sai phạm trong kinh doanh xăng dầu
9/13/2012 2:01:00 PMTin trong nước

Theo nhận định của Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua diễn biến phức tạp do cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục thời gian tới.

Cửa hàng xăng dầu Đồi Nên đã bị xử lý do vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

8 tháng đầu năm 2012, lực lượng QLTT đã kiểm tra 5.655 trường hợp, xử lý 933 vụ vi phạm. Trong đó, vi phạm về điều kiện kinh doanh là 321 vụ; 40 vụ vi phạm về giá; 5 vụ vi phạm về cắt giảm về thời gian bán hàng… Đáng chú ý, có tới 154 vụ vi phạm về đăng ký hệ thống phân phối, mua xăng dầu ngoài hệ thống phân phối và tự tháo niêm phong cột bơm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính lên tới hơn 6 tỷ đồng.

Nhức nhối nhất là tháng 8, tháng có 2 đợt tăng giá xăng dầu. Trước mỗi thời điểm tăng giá (khoảng 4 – 5 ngày), tình hình thị trường lại diễn biến “nóng”. Nhiều cửa hàng bán hàng cầm chừng hoặc ngừng bán hàng gây bức xúc cho người tiêu dùng. Cụ thể: đợt tăng giá xăng dầu ngày 13/8, đã có 82 cửa hàng đóng cửa hoặc cắt giảm thời gian bán hàng; đợt tăng ngày 28/8, có 138 cửa hàng đóng cửa hoặc cắt giảm thời gian bán hàng trên địa bàn 25 tỉnh, thành phố. Địa phương có số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng và giãn thời gian bán hàng lớn nhất là Bình Dương với 33 cửa hàng, tiếp đó là Đồng Nai 23 cửa hàng; Hà Nội 22 cửa hàng… Tổng số đã có 220/khoảng 12.000 cửa hàng xăng dầu ngừng bán.

Trong số các cửa hàng ngừng bán, không ít cửa hàng gian dối để thu lời qua việc tăng giá hay hạn chế lỗ do hoa hồng giảm. Theo điều tra của lực lượng QLTT, muôn vàn lý do ngừng bán được các cửa hàng đưa ra. 136 cửa hàng kêu hết xăng bởi đầu mối (tổng đại lý hoặc đại lý) không cung cấp hàng. 25 cửa hàng nghỉ bán hàng từ trước do kinh doanh thua lỗ, bán cửa hàng hay sửa chữa mặt bằng. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác: mất điện, gia đình chủ cây xăng có việc hỷ; do tranh chấp hợp đồng với đơn vị cung ứng…

Ông Đào Minh Hải- Phó Cục trưởng Cục QLTT- cho biết thêm, một số đại lý, tổng đại lý tìm cách xuất hàng ít nhất có thể thông qua việc siết chặt các điều khoản của hợp đồng về: số lượng, tiến độ cũng như phương thức đặt hàng, giao hàng… Điều chỉnh mức hoa hồng xuống thấp, thậm chí còn khoảng 50-100 đồng/lít. Thời gian từ khi DN đăng ký giá bán lẻ xăng dầu đến lúc nhận được ý kiến của cơ quan có thẩm quyền khoảng 4-5 ngày. Dẫn đến tâm lý chung là chờ tăng giá để kiếm lời. Cơ quan quản lý nhà nước chưa kiểm soát, quản lý chặt chẽ hệ thống.

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương khẳng định, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa thông tư số 36/2009/TT-BCT về quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu; chỉnh sửa Thông tư số 234/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng.

Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ rút ngắn thời gian từ khi DN đầu mối xin tăng giá đến khi có ý kiến của cơ quan quản lý là 2 ngày (kể cả ngày nghỉ). Vì trong thời gian qua, thông tin DN đầu mối đề xuất tăng giá được công khai sớm (trước tăng giá 5- 7 ngày), đã tạo điều kiện cho một số đối tượng giữ hàng nhằm kiếm lời bất chính.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent