Theo ông Phan Văn Chinh, sẽ cấm tạm nhập tái xuất (TNTX) các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường, cụ thể là ắc quy qua sử dụng, vi mạch điện tử, phế liệu, hàng tiêu dùng, chân cánh gà đông lạnh… Thời gian tạm nhập tái xuất rút từ 120 ngày xuống còn 30 ngày và chỉ được 1 lần gia hạn 15 ngày, cửa khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn để hỗ trợ các cơ quan thực thi trong việc kiểm tra, kiểm soát. Như vậy, thời gian TNTX các loại xăng dầu cũng phải thực hiện như đối với các loại hàng hóa khác.
Phát biểu tại giao ban, ông Phạm Đức Thắng- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cho biết: Trong năm 2012, giá xăng dầu thế giới biến động khó lường, biên độ dao động lớn, thể hiện qua diễn biến, từ cuối tháng 4 đến hết tháng 6, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, trung bình 10%/tháng. Nhưng đến nửa cuối tháng 7 giá bắt đầu tăng trở lại và tăng rất mạnh, khoảng 9 đến 13%, cộng với nguồn Dung Quất tạm dừng hơn 20 ngày gây nên căng thẳng nguồn cung. Vì thế thị trường tháng 8 rất khó khăn. Tuy nhiên cùng với các DN đầu mối khác, Petrolimex đã đảm bảo tương đối và ổn định thị trường.
Ông Thắng cho biết quan điểm, phương thức TNTX là phương thức kinh doanh khá hiệu quả, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mở như Singapore, Hongkong… Trong quá trình thực thi có thể có những DN lợi dụng kẽ hở pháp luật, như hiện tượng thẩm lậu xăng dầu. Để hạn chế tình trạng này Bộ chủ quản cần chấn chỉnh các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu. Còn tái xuất là làm lợi cho các DN, cho Nhà nước, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý, chứ không phải vì một số DN làm ăn không nghiêm túc mà chúng ta “khóa” hoạt động này lại, nhất là hình thức tái xuất sang Lào và Campuchia, các quốc gia có quan hệ buôn bán xăng dầu với Việt Nam. Nếu chính sách khép quá nhanh thì sẽ có hại cho DN.
Đề cập đến vấn đề TNTX, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã trả lời báo chí: Bộ Công Thương đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng tạm nhập tái xuất qua đường biển, có hiệu lực từ 15/8/2012. Đây là hướng xử lý phù hợp khi có phát sinh vụ việc gian lận thẩm lậu xăng dầu vừa qua.
Tạm nhập tái xuất xăng dầu hiện nay có hai loại thị trường. Thị trường ngoài nước gồm có Lào, Campuchia, Trung Quốc. Thị trường tiêu thụ trực tiếp gồm máy bay, tàu biển quốc tế, tàu biển Việt Nam đi tuyến quốc tế, doanh nghiệp khu chế xuất. Trong các loại thị trường này, chỉ có tái xuất đi Trung Quốc là khó kiểm soát nhất vì ngoài vận chuyển bằng đường bộ, hàng tái xuất có thể đi thông qua bằng đường biển. Sau khi tái xuất xong, tàu ra biển quốc tế rồi quay trở lại nội địa bán hàng, dễ phát sinh gian lận mà cơ quan chức năng khó bắt quả tang.
Tuy nhiên, để đi đến cấm hẳn việc tạm nhập tái xuất qua đường biển thì mình Bộ Công Thương không thể quyết. Muốn cấm là phải có cơ sở khoa học, pháp lý, phải có lấy ý kiến các bộ ngành để thống nhất. Trong thời hội nhập, không phải thích cấm là cấm ngay được.
Cũng trong buổi giao ban, ông Trương Quang Hoài Nam- Cục Quản lý thị trường- đã thông tin về việc găm hàng của các cửa hàng xăng dầu (CHXD) trước đợt 2 đợt tăng giá xăng dầu gần đây. Cục QLTT đã chủ động kiểm tra 220 CHXD có hiện tượng đóng cửa. Trong đó, 33 CH ở Bình Dương, 23 CH ở Đồng Nai, 22 CH ở Hà Nội, 17 CH ở TP.HCM, các tỉnh khác từ 15 CH trở xuống.
Qua kiểm tra thấy rằng, có 25 CH đã nghỉ bán từ trước đó đã có công văn báo cáo các Sở Công Thương. Có một số ngừng kinh doanh do cơ quan cấp trên yêu cầu hoặc bị đình chỉ kinh doanh trước thời điểm tăng giá. 6CH nghỉ bán do ma chay, cưới xin. Còn 147 CH dừng bán với lý do thiếu nguồn cung thì lực lượng Quản lý thị trường sẽ thành lập đoàn kiểm tra làm rõ vấn đề này.