PV: Thưa ông, trong thời gian vừa qua giá xăng, dầu liên tiếp tăng. Qua những lần tăng giá, ông thấy vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá xăng, dầu như thế nào?
- Ông Nguyễn Minh Phong: Trước hết cần nhấn mạnh rằng, chúng ta đang chứng kiến những động thái phức tạp của giá xăng dầu thế giới. Nó chịu sự tác động của bối cảnh kinh tế - chính trị quốc tế và những quan hệ khác nữa trong các nhân tố ảnh hưởng tới giá xăng dầu. Việt Nam là nước nhập khẩu phần lớn mặt hàng này, vì thế, khi giá thế giới tăng thì sự liên thông cũng bắt buộc giá trong nước phải tăng theo.
Về nguyên tắc, Nhà nước cố gắng thực hiện 2 yêu cầu trong quản lý giá xăng dầu. Một là, từng bước thị trường hóa nguyên tắc quản lý này để đảm bảo nguyên tắc thị trường và hội nhập trong quá trình phát triển và đổi mới kinh tế của Việt Nam. Hai là, cố gắng giữ ổn định trong điều kiện có thể để tránh những cú sốc tăng giá ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng mục tiêu quản lý khác của Nhà nước. Trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như các đợn vị có liên quan đã có nhiều cố gắng nhằm đảm bảo nguyên tắc trong quản lý, điều hành giá xăng dầu. Nó thể hiện rõ trong quy định của Nghị định 84/2009/NĐ - CP (Nghị định 84). Hiện nay, Nghị định 84 là nền tảng chủ yếu trong việc quản lý giá xăng dầu.
+ Vấn đề mà đông đảo người dân rất quan tâm hiện nay là Nhà nước trao cho DN được quyền quyết định giá xăng dầu liệu phải chăng là Nhà nước đang bỏ ngỏ thị trường, để cho DN “tự tung tự tác” giá xăng dầu?
- Tôi cho rằng hiểu như thế là chưa đúng. Theo quy định tại Nghị định 84 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao quyền định giá cho DN, quy định tại Nghị định 84 cũng như trong thực tế điều hành của Liên Bộ Tài chính – Công Thương việc trao quyền định giá xăng dầu cho DN để góp phần tạo lập thị trường cạnh tranh là hướng đi đúng nhưng trao quyền cho DN không phải là Nhà nước ‘‘buông”, không quản lý giá xăng dầu. DN được quyền quyết định giá nhưng chỉ được quyết định trong biên độ Nhà nước cho phép (7%), mức giá tính toán phải theo nguyên tắc, căn cứ, phương pháp và công thức do Nhà nước quy định. Rồi việc điều chỉnh giá cũng bắt buộc phải tuân theo trình tự, thủ tục mà nhà nước đã đề ra và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để giám sát, kiểm soát. Vì vậy có thể nói là DN được quyền quyết định giá nhưng vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, không phải DN muốn tăng bao nhiêu thì tăng, muốn quy định giá bao nhiêu cũng được.
+ Như vậy, theo ông ứng xử của người dân cũng như dư luận sau những lần điều chỉnh tăng liên tiếp thế nào?
- Xăng dầu là một trong những mặt hàng tiêu thụ đặc biệt. Vì nó gắn liền với yếu tố đầu vào của sản xuất cũng như tác động lớn đến đời sống người dân. Vì thế, người dân cần phải hiểu rằng, trong bối cảnh giá xăng tăng liên tục, Nhà nước chỉ có thể điều chỉnh bằng cách sao cho giá xăng bằng mức giá nhập khẩu tối thiểu, cộng với chi phí tối thiểu của DN chứ không có khoản bù lỗ hơn nữa. Khi giá cả tăng chỉ có cách điều tiết tiêu dùng của mình sao cho phù hợp với khả năng thanh toán. Đối với các DN, đặc biệt là các DN kinh doanh xăng dầu phải xác định nhiều hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình, để thực hiện cải tổ quản lý sao cho giảm chi phí, giảm thiểu nhân tố ảnh hưởng đến giá xăng dầu…
+ Thưa ông, với góc độ là một chuyên gia kinh tế, ông nhận xét như thế nào về công tác điều hành giá xăng đầu trong thời gian qua? Theo ông việc điều hành này có đảm bảo công khai, minh bạch và nhất quán hay không?
- Như trên tôi đã nói, Nghị định 84 là nền tảng chủ yếu trong việc quản lý, điều hành giá xăng dầu. Trong những năm qua, Bộ Tài chính cũng đã công bố công khai với xã hội và báo chí nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, đó là: đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và DN kinh doanh xăng dầu. Có thể thấy rằng trong những năm qua, việc điều hành kinh doanh xăng dầu đã theo đúng các quy định tại Nghị định 84 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đó là điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới đảm bảo chia sẻ hài hoà lợi ích giữa nhà nước, DN và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc công bố thông tin luôn đảm bảo công khai, kịp thời và minh bạch. Đơn cử tôi có thể dẫn chứng ngay là trong những lần tăng giá, Bộ Tài chính đều thực hiện họp báo, giải đáp đầy đủ các câu hỏi của phóng viên báo chí, rồi thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự cần thiết phải điều chỉnh giá, nguyên tắc điều hành và mức giá điều chỉnh….
+ Xin cảm ơn ông!