Chiều 28-8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý - giá Bộ Tài chính, đã chủ trì buổi họp thông báo về cơ chế điều hành giá xăng dầu. Tại cuộc họp báo này, ông Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định việc tăng giá xăng dầu là do khách quan, không phải lỗi do cơ chế điều hành.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết theo tính toán của Cục Quản lý giá tại thời điểm ngày 28-8, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ vì giá bán lẻ các sản phẩm xăng dầu đều thấp hơn giá cơ sở. Cụ thể, giá bán lẻ xăng A92 thấp hơn giá cơ sở 625 đồng/lít, diesel thấp hơn 317 đồng/lít, dầu hỏa thấp hơn 458 đồng/lít, dầu ma dút thấp hơn 74 đồng/lít.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ cho phép doanh nghiệp tăng tối đa 700 đồng/lít, tương đương với 50% “mức lẽ ra phải tăng” để không gây sốc cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp tăng mức sử dụng quỹ bình ổn từ 300 đồng lên 500 đồng/lít xăng và cho phép sử dụng 300 đồng/lít đối với các loại dầu.
Theo ông Thỏa, trong đợt điều chỉnh này, cả 3 thành tố tham gia thị trường là doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng đều phải chia sẻ quyền lợi. Doanh nghiệp tạm thời chưa được tính lợi nhuận định mức 300 đồng trong cơ cấu tính giá cơ sở. Người tiêu dùng phải chấp nhận tăng giá một phần, Nhà nước vẫn chưa thu thuế đủ theo dự định.
Trước bức xúc của dư luận về việc có thể giảm thuế nhập khẩu để giảm áp lực tăng giá, ông Thỏa cho biết chưa thể điều chỉnh thuế vì nhiều lý do. Thứ nhất, mức thuế hiện hành đang thấp hơn từ 5%-8% so với barem. Thứ hai, theo cam kết hội nhập, Việt Nam phải áp thuế nhập khẩu tối thiểu 7% và cuối cùng là phải bảo đảm thu ngân sách để cân đối vĩ mô.
Từ chiều 28-8, sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước “bật đèn xanh”, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước. Theo đó, giá xăng tăng tối đa 700 đồng/lít, dầu diesel tăng tối đa 400 đồng/lít tùy theo doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tăng giá xăng 650 đồng/lít, diesel 300 đồng/lít.