|
Tàu vào nhận sản phẩm tại cảng Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Thanh Long |
Mới đây, khi Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) và Công ty Jetstar Pacific có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế xăng máy bay do giá thế giới cao, doanh nghiệp khó khăn, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ ngành, theo đó nêu quan điểm không đồng ý mức giảm thuế xuống 0% của doanh nghiệp. Điều bất ngờ là một trong những lý do quan trọng được nêu ra là do... cơ chế tài chính dành cho các nhà máy lọc dầu.
Khó giảm thuế!
Các nhà máy lọc dầu hiện nay có khá nhiều ưu đãi, đặc biệt rút kinh nghiệm từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các cơ chế ưu đãi đã được các chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (cũng do Tập đoàn Dầu khí VN chủ trì) xin thành công trước khi bỏ tiền đầu tư.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, tại phụ lục danh mục các ưu đãi đầu tư áp dụng cho dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thì trong mười năm đầu kể từ khi đi vào vận hành thương mại (dự kiến vào năm 2013), dù sản xuất trong nước, không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng giá bán buôn xăng dầu ngay tại cổng nhà máy sẽ được bán bằng giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu (xăng dầu) và 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...), ngay khí LPG cũng được cộng thêm 5%.
Đặc biệt hơn, thỏa thuận cũng cho phép trong mười năm đầu, nếu Nhà nước quy định mức thuế nhập khẩu thấp hơn mức thuế nhà máy được cộng vào thì Nhà nước sẽ bù giá cho công ty liên doanh.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất mất 1 triệu USD/ngày Chiều 16-8, ông Nguyễn Hoài Giang - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý, vận hành và kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất - cho biết: sau một tuần dừng nhà máy để sửa chữa lỗi kỹ thuật, nhà máy đã được khởi động không tải để kiểm tra các công đoạn và sẽ tiếp tục sản xuất vào tối 19-8. Theo ông Giang, chi phí cho đợt sửa chữa phía nhà thầu Technip phải chịu. Tuy nhiên, thời gian dừng nhà máy đã khiến thị trường trong nước thiếu hụt trên 120.000 tấn sản phẩm xăng dầu và hơn 9.000 tấn gas, nhà máy mất gần 1 triệu USD/ngày. TRÀ GIANG |
Ngay khi Nghi Sơn xin được cơ chế này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng xin theo. Theo đó, xăng dầu Dung Quất cũng được hưởng “giá trị ưu đãi” là 3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với xăng dầu. Quyết định cũng nêu rõ: “Trường hợp thuế nhập khẩu sản phẩm lọc hóa dầu do Nhà nước quy định thấp hơn mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán, Tập đoàn Dầu khí VN thực hiện việc bao tiêu sản phẩm cho Công ty Bình Sơn và đưa mức giá trị ưu đãi vào giá bao tiêu sản phẩm”.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoài Giang, tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, công nhận với cơ chế như thế, đương nhiên xăng dầu Dung Quất trước khi bán ra thị trường được cộng thêm 7% thuế nhập khẩu nữa, LPG cộng thêm 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%, tương tự như Nghi Sơn. Với cơ chế này, dù Nhà nước giảm thuế xăng dầu xuống bằng 0% thì Bình Sơn cũng vẫn được hưởng mức “giá trị ưu đãi” trên.
Nguồn tiền mà Tập đoàn Dầu khí VN lấy để bù cho Bình Sơn, ông Giang cho biết từ tiền của tập đoàn, có thể từ chính những nguồn thu từ bán xăng dầu Dung Quất.
Cân đối lợi ích xã hội
Nhiều chuyên gia cho rằng với cơ chế trên, rõ ràng Bộ Tài chính sẽ gặp khó nếu muốn giảm thuế xăng dầu. Trong trường hợp đề xuất giảm thuế của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa qua, Bộ Tài chính đã thẳng thắn cho biết “việc quy định thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng máy bay và nhiên liệu bay sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế thuế nhập khẩu đối với hai nhà máy lọc dầu”.
Vì thế, Bộ Tài chính quyết định không thực hiện điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu “xăng máy bay và nhiên liệu bay” nhưng tìm cơ chế khác. Tuy nhiên, ngay cả với cơ chế mới, Bộ Tài chính cho biết “để đảm bảo không phải bù giá cho sản phẩm của hai nhà máy lọc dầu”, mức thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất có thể áp dụng là 7%.
Và trong văn bản xin ý kiến các bộ ngành, Bộ Tài chính đã chính thức dự kiến mức thuế suất thuế nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng xăng máy bay và nhiên liệu bay thấp nhất cũng phải ở 7%.
Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đầu tư nhà máy lọc dầu cần vốn rất lớn, VN cũng cần phải có các nhà máy để đảm bảo an ninh năng lượng. Vì vậy, việc phải ưu đãi đầu tư là cần thiết và có nhiều cách để ưu đãi. Các nước cũng có ưu đãi, nhưng vấn đề nằm ở chỗ ưu đãi đến đâu và cân đối với lợi ích xã hội, người tiêu dùng xăng dầu như thế nào.
Không bình luận lợi hại của các ưu đãi đã được quyết định, ông Doanh cho rằng sẽ không chỉ xăng máy bay, ngay cả xăng A92 hay các loại dầu thông dụng khác, Bộ Tài chính từ nay cũng sẽ khó hơn trong việc hạ thuế nhập khẩu để giúp giảm chi phí cho dân, ngay cả khi cần thiết.
TS Vũ Đình Ánh, nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng với cơ chế ưu đãi cho nhà máy lọc dầu như trên, ít nhiều khi tính hạ thuế, Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ phải tính xem liệu ngân sách có đủ tiền bù cho các nhà máy lọc dầu hay không.