Xăng dầu và câu chuyện thiểu phát
8/15/2012 7:44:00 AMTin trong nước

Với đợt tăng giá xăng dầu lần này, nguy cơ về một đợt tăng giá “tát nước theo mưa” như thường thấy trên thị trường là rất thấp.

Sáng 14/8, một ngày sau khi phương án tăng giá xăng dầu của các DN đầu mối được chuẩn y, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với 3 DN thuộc những ngành mà xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí.

Điều trùng hợp là đại diện cả 3 đơn vị đều “xin” không có ý kiến chính thức… vì “chán lắm rồi”. Trao đổi ngoài lề, tổng giám đốc một công ty vận tải phía Bắc ngán ngẩm, hiện chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 36% doanh thu của công ty. Đơn hàng vốn ký dài hạn lại rơi rụng nhiều vì suy thoái, giờ mà xin đối tác tăng giá thì chỉ còn nước treo xe...

Giải thích lý do cho đợt tăng giá lần này, các DN đầu mối cho biết, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến khoảng 1 tuần qua, trong khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động, nên họ phải tăng lượng nhập khẩu đúng lúc giá cao...…Tuy nhiên, liệu giá xăng dầu đã “hết đường lùi nên phải tiến” và cách tăng có khiến người tiêu dùng...…tâm phục?

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh, chia đều hai đầu tăng - giảm. Tuy nhiên, 5 lần giảm giá chỉ giảm 3.200 đồng; còn 5 lần tăng giá thì tăng tới 5.400 đồng. Đặc biệt, 3 tuần qua, giá xăng dầu tăng 3 lần, trong đó giá xăng tăng cao nhất (2.400 đồng/lít). Chia sẻ với những áp lực từ giá cả thế giới, nhưng người tiêu dùng có quyền yêu cầu sự sòng phẳng của các đơn vị đầu mối: tại sao lúc nào cũng “tăng nhanh, giảm nhỏ giọt”? Đặc biệt là khi câu chuyện yêu cầu kiểm toán rõ ràng các thành tố tạo nên giá xăng dầu đã “chìm xuồng” và thị trường xăng dầu vẫn chỉ có “cỗ xe tam mã” Petrolimex, PVOil, Petec độc hành.

Tối 13/8, Đài truyền hình quốc gia phát đi phóng sự về diễn biến thị trường xăng dầu trước khi quyết định tăng giá được công khai. Trên thực tế, từ 5 - 7 ngày trước, đã có rất nhiều cây xăng đóng cửa. Những cuộc kiểm tra của lực lượng liên ngành cho thấy, lỗi không phải do chủ cây xăng, bởi bể chứa của họ cạn trơ đáy. Nguyên nhân là do các DN đầu mối hoặc tổng đại lý bán xăng dầu theo “quota” nhỏ giọt và “bán hết chỗ ấy rồi thì cứ chờ đã”. Vậy xin hỏi, các đơn vị này đã đứng trên quyền lợi của ai khi quyết định găm hàng chờ giá tăng? Và liệu có sự rò rỉ thông tin không, khi không chỉ lần này mà nhiều đợt tăng giá trước đó, những lời đồn đều trở thành sự thật? Hỏi đã là trả lời!

Với cơ quan quản lý giá cả, đành rằng từ ngày 21/6/2012, các DN đầu mối đã được quyết định giá trong biên độ cho phép, nhưng liệu việc chấp thuận đề nghị tăng giá xăng dầu đợt này đã là đặng chẳng đừng khi dư địa cho việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn còn? Thống kê cho thấy, mỗi lít xăng hiện “cõng” hơn 5.000 đồng thuế, phí...…

Ai cũng biết, nút thắt lớn nhất đối với các DN hiện không phải là dòng tiền hay lãi suất, mà là câu chuyện đầu ra cho sản phẩm. Nói cách khác là cửa vay không khó, nhưng vay để làm gì mới là câu hỏi lớn với DN, khi dù đã hạ giá tối đa nhưng thành phẩm tồn kho vẫn ngày một chất chồng.   

Trong khi Chính phủ và các cơ quan quản lý đang tìm cách gỡ bí đầu ra, thì hàng loạt nguyên liệu đầu vào, từ điện, nước, đặc biệt là xăng dầu…được tăng giá cấp tập, có thể là những giọt nước làm tràn ly chịu đựng của DN. Và người tiêu dùng vốn đã e dè, sẽ càng thắt chặt hầu bao.

Chính vì vậy, có thể nói, với đợt tăng giá xăng dầu lần này, nguy cơ về một đợt tăng giá “tát nước theo mưa” như thường thấy trên thị trường là rất thấp, trái lại nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiểu phát trong nền kinh tế và sự đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh vốn đã trăm bề gian khó của các DN. Đó mới là nguy cơ lớn nhất!   

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent