Xăng dạo đắt hàng vì cây xăng tự ý đóng cửa
Chiều 10/8, các DN xăng dầu đầu mối đồng loạt gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho phép tăng giá xăng, mức tăng phổ biến lên tới 1.400 đồng/lít do giá cơ sở đang cao hơn mức bán lẻ 700-1.300 đồng mỗi lít (Trước đó, xăng đã tăng giá thêm 900 đồng/lít).
Trong khi việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu chưa được phê duyệt, những ngày qua nhiều cửa hàng, đại lý bán xăng trên thị trường đã tự ý đóng cửa, thông báo "hết hàng" không bán cho khách vì càng bàn càng lỗ.
Phản ánh đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Trịnh Văn Hưng (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, mấy ngày nay một số cây xăng khu vực huyện Quốc Oai, Hà Nội đã đóng cửa thông báo hết xăng. Sáng 12/8, không đổ được xăng từ đại lý, anh Hưng phải mua xăng từ cây xăng bán dạo với giá 27 nghìn đồng/lít.
Sau nhiều thông tin về sự cố cháy xe gần đây, với anh Hưng việc đổ xăng dạo là điều "cực chẳng đã". “Đắt hơn vài nghìn đồng không quan trọng nhưng việc mua xăng dạo khiến tôi chạy xe mà cứ lo nơm nớp” – anh Hưng nói.
|
Xăng dầu bán dạo ngay cạnh cây xăng đóng cửa với giá "cắt cổ". Ảnh infonet |
Theo phản ánh của độc giả, không chỉ huyện Quốc Oai, Hà Nội, sau khi có thông tin xăng sẽ tăng thêm 1.400 đồng/lít, một số cửa hàng xăng tại các huyện khác như Gia Lâm, Thanh Oai cũng bất ngờ đóng cửa, thông báo sửa chữa hệ thống... khiến khách hàng phải ngậm đắng bỏ tiền mua xăng đắt từ người bán dạo.
Ngoài ra, nhiều người tiêu dùng còn cho rằng, vào cây xăng yêu cầu được đổ đầy bình nhưng họ chỉ được nhân viên đổ “tạm” cho một ít. Chị Bùi Thị Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chiều 12/8, khi vào đổ xăng tại một đại lý trên đường Giải Phóng, mặc dù chị nói rõ là cần đổ đầy bình xăng nhưng sau khi bơm xăng, chị đưa 200 nghìn đồng cho nhân viên và được họ trả lại 150 nghìn đồng. Theo chị Mai, bình xăng xe chị mỗi khi đổ đầy phải hết 110 nghìn đồng.
Trao đổi về hiện tượng "găm hàng" chờ tăng giá của các cây xăng hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cảnh báo: Việc hạn chế bán xăng dầu hay cửa hàng xăng dầu tự đóng cửa không bán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý thị trường cần tập trung đẩy mạnh kiểm tra rà soát các cây xăng cố ý găm hàng để tránh thiệt hại cho người dân.
Hà Nội ráo riết kiểm tra cây xăng tự “đóng cửa”
Trong khi đó, trao đổi về hiện tượng này, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Ngay trong sáng nay (13/8) Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra những cây xăng được khách hàng thông báo có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá”.
|
Cây xăng tự ý đóng cửa không có lý do chính đánh sẽ bị phạt hành chính. |
Theo ông Lộc, việc cây xăng "găm" hàng chờ tăng giá sẽ bị xử phạt hành chính, tùy vào mức độ của các cây xăng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, các cơ quan quản lý còn phải xem xét tình hình cụ thể. Nhiều khả năng các cây xăng không được các công ty đầu mối cung cấp xăng dẫn đến tình trạng hết xăng hoặc do mất điện thật. Trước đó, sau khi nhận được thông báo có nhiều cây xăng đóng cửa, đoàn cơ quan quản lý có kiểm tra thì họ hết xăng thật do nguồn cung cấp xăng bị gián đoạn.
Trong trường hợp phát hiện những cây xăng tự ý đóng cửa sẽ bị xử phạt theo quy định của nhà nước cụ thể trong Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.