|
Gọi điện thoại ở cây xăng gây nguy hiểm cho bản thân và nhiều người xung quanh
(Ảnh chụp lúc 17h30 ngày 1-8-2012 tại cây xăng số 1 Trần Quang Khải) |
Cấm cứ cấm, dùng vẫn dùng
Có mặt tại cửa hàng xăng dầu số 16, ở số 2 phố Giảng Võ quận Ba Đình, Hà Nội vào lúc 11h30 trưa 1-8 chúng tôi thấy có khá đông khách vào mua xăng. Ở ngay lối ra vào, cạnh các cột bán xăng là những tấm bảng nhỏ được gắn trên tường với nội dung “Cấm lửa - Yêu cầu tắt máy xe - Không dùng ĐTDĐ”. Tại cây xăng này, với cùng câu hỏi “Anh (hay chị) có biết việc sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng bị cấm và sẽ bị phạt tiền không”, chúng tôi đã nhận được những câu trả lời trái ngược nhau.
Chị Phạm Hồng Hà - nhân viên của Công ty FPT, một khách hàng mua xăng cho biết: “Tôi đồng tình với chế tài phạt tiền những người cố tình sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng bởi hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của những người xung quanh”. Song theo chị Hà, để quy định này đi vào cuộc sống thì bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, các cơ quan chức năng cần cử người chốt trực tại các điểm bán xăng dầu xử lý nghiêm vi phạm. “Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp dắt xe vào mua xăng mà còn gọi điện oang oang. Khi nhân viên bán xăng nhắc nhở lại còn lớn tiếng: “Cô là ai, cô dựa vào quy định nào mà cấm tôi gọi điện. Cô coi thường khách hàng quá”. Sự thiếu ý thức đó không thể chấp nhận được” - chị Hà bức xúc.
Ông Lê Văn Huỳnh ở thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm chép miệng: “Cấm cho vui thế thôi chứ phạt làm sao xuể, mà người phạt người không thì thiếu công bằng”. Cũng theo ông Huỳnh, không phải bây giờ mới có mà quy định cấm sử dụng ĐTDĐ, cấm lửa đã được dán ở hầu hết các cây xăng từ khá lâu nhưng không ít người khi đến mua xăng vẫn không tắt máy, thản nhiên hút thuốc rồi gọi điện mà không thấy ai nhắc nhở gì.
Đồng loạt triển khai nhiều biện pháp
Liên quan đến việc triển khai Nghị định 52/NĐ-CP/2012 trong thời gian tới, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Hướng dẫn về phòng cháy - Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: “Điều 11 Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi mang diêm, bật lửa, ĐTDĐ, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm. Khoản 3 cũng ghi rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sử dụng nguồn lửa, ĐTDĐ, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm… Sở dĩ có quy định này là do sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật, hệ thống kiểm soát đo đếm tại các kho, cửa hàng chứa xăng dầu… ngày càng sử dụng nhiều thiết bị điện tử phục vụ công tác xuất nhập hàng. Do vậy, nếu có tác động của sóng điện từ (từ ĐTDĐ) sẽ làm tăng nguy cơ phát tia lửa điện gây cháy nổ”.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, quy định trên là cần thiết có tính ngăn ngừa, răn đe và cảnh báo đối với người dân và các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Không chỉ có ĐTDĐ, một số thiết bị khác như máy nhắn tin, máy ảnh, camera, thu phát sóng cũng bị cấm sử dụng. Phạm vi của quy định không chỉ ở các cây xăng mà còn ở nhiều khu vực khác như kho dầu mỏ, trạm chiết nạp, kho chứa hóa chất dễ cháy nổ... Để người dân nắm được quy định này, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền trên báo chí và loa phát thanh ở các phường, Sở Cảnh sát PCCC còn chỉ đạo đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc xung quanh các quy định mới.
Do hành vi sử dụng ĐTDĐ nơi có nguy cơ cháy nổ là dạng vi phạm quả tang trong khi đó lực lượng cảnh sát PCCC lại mỏng nên không thể bố trí người chốt trực thường xuyên tại các điểm kinh doanh xăng dầu. Mặc dù vậy, theo Nghị định 52, thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm còn có các đơn vị khác như lãnh đạo chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, nhân viên cây xăng và những công dân khác cũng có trách nhiệm nhắc nhở người vi phạm, nếu họ cố tình chống đối có thể báo cáo với cơ quan chức năng để xử phạt.
l Chiều 1-8, ông Trần Đắc Xuân, Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 1 - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 70 cây xăng do công ty quản lý với lượng xăng dầu bán ra thị trường trung bình trên 1.000 m3/ngày. Chính vì vậy, Nghị định 52 của Chính phủ có hiệu lực từ 5-8 quy định mức xử phạt tới 5 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng sẽ có ý nghĩa nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC của khách hàng khi đến cây xăng, đặc biệt là việc sử dụng ĐTDĐ.
Hậu quả khó lường
Trên thế giới, những tai nạn cháy nổ tại trạm xăng (hay trên các phương tiện sử dụng xăng) được cho là liên quan đến điện thoại xảy ra khá nhiều. Cách đây không lâu, tại Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CPC) đã thông báo tới tất cả trạm xăng về việc cấm khách hàng nói chuyện qua điện thoại sau khi có sự cố một khách hàng trong khi nghe điện thoại đã cúi xuống xem mức xăng trong bình khiến bình xăng đột ngột bốc cháy gây bỏng nặng. Còn tại Úc năm 1993, vụ cháy nổ cây xăng Metropolitan Fire Service cũng được cho là có liên quan mật thiết đến việc khách hàng này sử dụng ĐTDĐ trong khi đổ xăng. Sau đó ít lâu, vào năm 1999, một người lái xe ở
Indonesia cũng bị bỏng nặng khi nghe điện thoại trên chiếc xe của mình trong khi nhân viên trạm xăng đang bơm nhiên liệu. Năm 2004, một sinh viên đang bơm xăng cho chiếc ô-tô gần New York mở điện thoại ra nghe thì cột bơm xăng đột ngột bốc cháy. Ngay trong bản hướng dẫn của các nhà sản xuất điện thoại di động lớn như Nokia, Samsung đều có cảnh báo về việc không sử dụng thiết bị ở những nơi có khả năng cháy nổ.