DN xăng dầu đồng loạt xin tăng giá
8/1/2012 7:49:00 AMTin trong nước

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã đồng loạt gửi văn bản đăng ký giá tới Bộ Tài chính sáng 31/7, với các mức tăng phổ biến từ 500-900 đồng/lít,kg.

Nếu không giảm thuế, đây có thể là mức tăng tối đa của giá xăng dầu trong nước và thời gian áp dụng sớm nhất là tối nay, 31/7.

Theo ông Lê Thanh Mân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex),  trong 30 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm bình quân ở mức  109,91 USD/thùng, giá dầu diezen bình quân đã tăng mạnh lên mức 118,21 USD/thùng.

Ngày giao dịch gần đây nhất trên thị trường Singapore, 30/7, giá xăng thành phẩm đã vượt lên 115,47 USD/thùng và giá dầu diezen tăng tới 122,03 USD/thùng. Các mức giá xăng dầu thành phẩm bình quân đang dần dần tăng cao quay trở lại, bằng với mức giá của chu kỳ 30 ngày cuối tháng 12/2011 đến nửa đầu tháng 1 năm nay.

Theo đó, công ty Petimex đã đề nghị 2 phương án về giá xăng dầu trong thời gian tới. Phương án thứ nhất, xăng dầu Đồng Tháp đề nghị tăng 500 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu và tăng 900 đồng/lít đối với xăng.

Phương án thứ hai, công ty kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế để tránh lỗ cho thời kỳ nhập xăng dầu tiếp theo. Tính toán của đơn vị này cho biết, nếu giảm tương đương với các mức lỗ xăng dầu thì thuế nhập khẩu xăng cần giảm tới 4%, thuế các mặt hang dầu cần giảm 2%. Nếu phương án này áp dụng thì áp lực tăng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm bớt.

Cũng theo doanh nghiệp này, mức đăng ký tăng từ 500-900 đồng/lít là tương ứng mức lỗ bình quân 30 ngày qua. Nhưng nếu tính bình quân trong 7-10 ngày gần đây, mức lỗ xăng dầu còn nặng hơn. Ví dụ như xăng A92 lỗ tới 1.500 đồng/lít và dầu diezen lỗ hơn 1.000 đồng/lít.

Chia sẻ về vấn đề này, một đại diện của SaigonPetro cho hay, công ty cũng đã gửi văn bản đăng ký giá với mức tăng tương đương như xăng dầu Đồng Tháp vào sáng 31/7. Hiện nay, doanh nghiệp cũng đang thấp thỏm chờ đợi hồi âm của Bộ Tài chính.

Theo quy định hiện hành, trong thời gian 3 ngày kể từ khi doanh nghiệp đăng ký giá, Bộ Tài chính sẽ gửi văn bản cho doanh nghiệp thong báo ý kiến của Bộ. Nếu không có hồi âm này của Bộ, sau 3 ngày, doanh nghiệp sẽ được quyền tự động điều chỉnh giá theo phương án đã đăng ký.

Hôm 29/6, khi Bộ Tài chính bắt đầu chính thức giao lại quyền định giá cho doanh nghiệp xăng dầu, Bộ cũng cho hay đây là khoảng thời gian để Bộ cân nhắc giữa phương án giá của doanh nghiệp và phương án thuế.

Đại diện của SaigonPetro phân tích rằng, để giảm gánh nặng về tăng giá, Bộ Tài chính có thể giảm thuế ít nhất 2% cho xăng. Nếu vậy, mức tăng giá sẽ giảm nhẹ đi từ 900 đồng/lít đề xuất ban đầu xuống chỉ còn phải tăng 500 đồng/lít.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cũng bày tỏ, theo đúng luật, cách 10 ngày một lần, Tập đoàn báo cáo tình hình biến động giá xăng dầu tới Bộ Tài chính. Lần này, các mức đề nghị tăng của Petrolimex cũng tương ứng như các doanh nghiệp chiếm thị phần nhỏ.

Ngoài ra, giới kinh doanh xăng dầu cho hay, cũng có doanh nghiệp đã gửi "đơn" xin tăng giá xăng lên mức 1.000 đồng/lít.

Tính tới thời điểm này, hầu hết, các doanh nghiệp đầu mối đều đã gửi văn bản đăng ký giá. Vì rằng, khi Bộ Tài chính hồi âm đồng ý hoặc xác nhận các phương án giá của doanh nghiệp là hợp lý, chỉ có doanh nghiệp nào đã gửi đăng ký giá thì mới được quyền tăng giá. Đây là điều khác biệt cơ bản nhất so với giai đoạn trước đây, chỉ cần một vài doanh nghiệp có ý kiến tăng, Bộ Tài chính có thể chỉ đạo yêu cầu điều chỉnh giá áp dụng đồng loạt tất cả các doanh nghiệp.

Sau 5 lần giảm giá xăng dầu lien tiếp, lần tăng giá mới nhất gần đây là hôm 20/7 với mức tăng 400 đồng/lít đối với xăng A92 và dầu diezen. Riêng dầu hỏa, có doanh nghiệp tăng 300 đồng/lít, riêng SaigonPetro tăng 400 đồng/lít.

Đồng thời, thuế nhập khẩu xăng dầu cũng đã có 5 lần tăng liên tiếp, đưa thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa và madut hiện lên mức 12%, thuế dầu diezen thấp hơn là 10%.

Điều khiến dư luận bức xúc là, khi đăng ký giá, mỗi doanh nghiệp đều có mức xin tăng cụ thể khác nhau nhưng khi áp dụng thực tế, lại có cùng một mức tăng và thời điểm tăng giống nhau.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Bộ Tài chính giao quyền định giá cho doanh nghiệp xăng dầu, tức thả nổi giá nhưng lại quên mất việc thiết lập lại cơ cấu thị trường sao cho đảm bảo tính cạnh tranh. Với vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường tới gần 60% như Petrolimex thì việc các doanh nghiệp nhỏ phải lựa, nhìn theo Petrolimex để cùng điều chỉnh là khó tránh khỏi. Thị phần mất cân đối, thị trường còn tồn tại độc quyền thì không thể có tính cạnh tranh công bằng, minh bạch.

"Cũng theo Luật giá và Luật Cạnh tranh, với các mặt hàng còn độc quyền, còn thống lĩnh thị trường như xăng dầu thì Nhà nước phải điều tiết giá chứ không thể giao cho doanh nghiệp. Cơ chế thị trường theo nghĩa tự do hóa giá cả chưa thể thực hiện được", ông Long nói.

Theo nhiều nguồn tin cho hay, Bộ Tài chính sẽ sớm hồi âm cho các doanh nghiệp và nhiều khả năng, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh ngay trong tối nay, khi thời gian ngày hôm nay so với lần tăng giá trước đã quá 10 ngày- thời hạn theo Nghị định 84 yêu cầu tối thiểu khoảng cách giữa 2 lần tăng giá.

 
Giá bán lẻ tại COMECO
Nhiên liệu Giá (đồng/lít)
Xăng RON 95 - V
21.020
Xăng RON 95 - III
20.500
Xăng E5 RON 92 - II
19.400
Dầu DO 0,05S 18.140
Dầu DO 0,001S - V 18.360

Thời điểm áp dụng: 15g00 ngày 31/10/2024

Giá dầu thô Brent