Ông Thỏa nói:
|
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
- Mục tiêu điều hành giá xăng dầu là thực hiện theo cơ chế thị trường, đối với xăng dầu thì việc trao quyền định giá cho doanh nghiệp nhằm tạo sự cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu là việc làm đúng. Việc trao quyền này chưa hoàn toàn mà doanh nghiệp phải định giá trong biên độ và theo nguyên tắc, phương pháp do Nhà nước quy định. Ðồng thời doanh nghiệp đầu mối phải đăng ký giá với Bộ Tài chính trước mỗi lần điều chỉnh. Còn khi giá cơ sở tăng cao gây bất lợi đến đời sống, kinh tế - xã hội thì Nhà nước phải can thiệp trực tiếp bằng cách định giá, thuế, phí, quỹ bình ổn giá.
"Cơ chế điều hành sắp tới phải bổ sung các quy định để tạo thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, cùng cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng độc quyền, thống lĩnh thị trường"
Ông NGUYỄN TIẾN THỎA
|
* Trao quyền định giá trong biên độ được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Hiểu trao quyền định giá cho doanh nghiệp là phải hiểu doanh nghiệp chỉ được định trong biên độ Nhà nước cho phép khi các yếu tố hình thành giá có biến động 7%. Thực tế chúng ta đã vận hành cơ chế này những tháng đầu năm 2010. Sau đó giá thế giới tăng nhanh và tăng cao thì Nhà nước dùng biện pháp can thiệp là định giá để bình ổn giá.
Ðến nay, các điều kiện cho phép để thực hiện cơ chế doanh nghiệp được tự định giá trong biên độ nhất định là giá xăng dầu thế giới tương đối ổn định, lạm phát trong nước ở mức thấp... Ðiều này rất phù hợp. Nhưng tôi muốn nhấn thêm rằng Nhà nước hiện chưa trao quyền hoàn toàn cho doanh nghiệp định giá. Nhà nước vẫn phải kiểm soát, không để doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu cũng được mà mức giá điều chỉnh phải phù hợp với biến động của chi phí đầu vào.
* Người tiêu dùng băn khoăn khi trao quyền định giá cho doanh nghiệp thì lợi ích của họ có bị bỏ quên do doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận?
- Tôi đã trình bày ở trên là doanh nghiệp được quyền quyết định giá trong biên độ nhất định và Nhà nước phải kiểm soát việc điều chỉnh giá của doanh nghiệp. Làm như vậy sẽ đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, tránh việc lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Kinh nghiệm đợt điều chỉnh giá của doanh nghiệp ngày 20-7 vừa qua cho thấy mức tăng giá mà các doanh nghiệp đề nghị với Bộ Tài chính ở nhiều mức khác nhau, nhưng khi Bộ Tài chính theo dõi qua giá thế giới, tính toán giá cơ sở thì có yêu cầu mức giá tăng phải phù hợp với biến động của giá cơ sở. Ðiều đó cho thấy với cơ chế đang điều hành, doanh nghiệp không thể tự ý "thích" tăng lúc nào cũng được, "thích" tăng bao nhiêu cũng được.
* Dự kiến khi nào những bất cập về cơ chế điều hành giá xăng dầu mới được sửa đổi, thưa ông?
- Cái này phụ thuộc Chính phủ. Ðầu tháng 7 này, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã họp về việc đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi bổ sung nghị định 84. Quan điểm của Bộ Tài chính là việc sửa đổi phải tạo lập môi trường pháp lý công khai, minh bạch và đảm bảo việc kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Do vậy, điều đầu tiên là phải bổ sung các quy định để tạo thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, cùng cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng độc quyền, thống lĩnh thị trường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về tính giá cơ sở đối với kinh doanh xăng dầu như đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lỗ, lãi của doanh nghiệp. Ngay cả thời gian tính giá cơ sở bình quân là 10 ngày thay cho mức 30 ngày như hiện nay để giá bán lẻ xăng dầu trong nước không "lạc điệu" với giá thế giới.
Ðồng thời, để thị trường xăng dầu trong nước không bị xáo trộn mỗi khi giá thế giới có biến động, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cần thiết phải quy định cụ thể mức thù lao, hoa hồng cho đại lý. Vì thực tế chi hoa hồng cho các đại lý do thỏa thuận giữa đại lý và doanh nghiệp đầu mối.
LÊ THANH thực hiện
Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Cần tách nhỏ Petrolimex
Khi thị trường có doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị phần thì cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý cạnh tranh. Song, để đảm bảo minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, không có cách nào tốt hơn là phải chia nhỏ anh đang nắm vị trí độc quyền này. Đó là Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex). Cần phải tách anh này làm ba khâu: khâu nhập khẩu, khâu bán buôn và khâu bán lẻ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu sẽ cạnh tranh lành mạnh để chiếm lĩnh thị phần bằng nhiều cách. Ví dụ về giá, các doanh nghiệp sẽ không đồng loạt tăng cùng một mức như hiện nay mà có thể có anh tăng nhưng cũng có anh không tăng.
L.THANH
|