Hôm 19/7, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay. Theo đó, hai Phó Thủ tướng đã đánh giá, Nghị định 84/2009 là căn cứ quan trọngquản lý kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, các Phó Thủ tướng cũng cho biết, một số nội dung trong Nghị định 84 đã chưa thể tổ chức triển khai một cách đầy đủ, toàn diện. Một số quy định về yếu tố cấu thành giá cơ sở cũng đã lạc hậu so với thực tế, cơ chế phối hợp điều hành giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa hiệu quả. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin điều hành giá xăng dầu đến công chúng chưa kịp thời, đầy đủ, chưa tạo đồng thuận cao.
Nguyên nhân cho sự thực thi chưa toàn diện trên là sau khi Nghị định 84 có hiệu lực 15/12/2009, diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao, biến động bất thường trong thời gian ngắn với biên độ lớn. Đồng thời, việc điều hành thị trường này còn phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Từ thực tế trên, hai Phó Thủ tướng đã yêu cầu các bộ Công Thương- Tài chính phải kiên trì thực hiện nhất quán điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng các quy định, nguyên tắc của Nghị định 84.
Ba vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhất trong thị trường xăng dầu là giá cơ sở, Quỹ bình ổn và khoản lỗ của doanh nghiệp.
Các Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính phải xem xét từng vấn đề, trong đó, liên quan đến công thức tính giá cơ sở, Bộ Tài chính phải điều chỉnh quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, hoa hồng đại lý cho phù hợp với thực tiễn.
Về điểm này, tại cuộc họp với các Phó Thủ tướng hôm 9/7, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị cần sửa chi phí kinh doanh vì các mức hiện hành được tính từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu. Theo đề xuất cụ thể của Bộ Tài chính, đối với xăng, dầu hỏa, dầu diezen , chí phí kinh doanh sẽ tăng từ 600 đồng/lít hiện hành lên 860 đồng/lít, khống chế thù lao cho đại lý không quá 50% chi phí này. Đối với dầu madut bán buôn, chi phí kinh doanh được đề nghị tăng từ 400 lên 500 đồng/kg.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề nghị thay đổi công thức tính giá cơ sở, giảm thời gian tính căn cứ giá bình quân trong 30 ngày xuống mức bình quân 10 ngày, tách lợi nhuận định mức ra khỏi kết cấu cố định tính giá cơ sở và khống chế lợi nhuận định mức cho đại lý là 100 đồng/lít.
Đối với Quỹ bình ổn giá, hai Phó Thủ tướng đã bác đề xuất của Bộ Tài chính khi Bộ này cho rằng, cần chuyển về Kho bạc Nhà nước quản lý. Hai Phó Thủ tướng đã yêu cầu cần tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành về Quỹ, nghĩa là vẫn để tại doanh nghiệp như hiện nay. Đồng thời, Bộ Tài chính phải phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu cải tiến phương thức trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ một cách chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Như đánh giá của Kiểm toán Nhà nước mới đây, phương thức trích Quỹ khi kinh doanh lỗ đã gây nên quỹ "ảo".
Riêng về khoản lỗ của doanh nghiệp, Bộ Công Thương báo cáo trước đây cho biết đang tồn đọng 5.000 tỷ đồng lỗ tích lũy kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp trong thời gian thực hiện bình ổn giá. Về điểm này, các Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính phải khẩn trương xem xét cụ thể tình hình, nguyên nhân gây lỗ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong thông báo này, đồng tình với kiến nghị trước đây của Bộ Công Thương cho rằng chưa cần sửa Nghị định 84, các Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ này chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan rà soát, đánh giá lại toàn diện về Nghị định 84. Trong tháng 12 năm nay, Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng kết quả đánh giá toàn diện này.
Đói với chất lượng xăng dầu, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Khoa học công nghệ sửa đổi bổ sung quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia trong kinh doanh xăng dầu, ban hành quy định về trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối.