Đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều kiến nghị thay đổi cơ bản về công thức tính giá cơ sở, nguyên tắc quản lýQuỹ bình ổn và cả thù lao hoa hồng cho đại lý bán lẻ.
Đưa lợi nhuận định mức ra khỏi công thức
Cụ thể, Bộ này đề nghị tính giá cơ sở xăng dầu trên cơ sở 10 ngày bình quân thay vì 30 ngày như hiện nay. Theo quy định hiện nay, 30 ngày là yêu cầu thời gian dự trữ lưu thông xăng dầu tại các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, tần suất điều chỉnh giá bán lẻ lại quy định là 10 ngày.
Bộ Tài chính cho rằng, nếu lấy giá bình quân theo chu kỳ 30 ngày để tính giá cơ sở thì chỉ phù hợp với dự trữ lưu thông nhưng lại không bám sát với biến động giá cả thị trường thế giới. Vì thế, lấy căn cứ giá bình quân 10 ngày sẽ giúp cho giá cơ sở xăng dầu bám sát với giá thực hơn.
Đánh giá về công thức tính giá cơ sở hiện hành, Bộ này cũng bày tỏ, mức giá này có thể trùng, hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn với giá vốn của doanh nghiệp. Trong đó, lợi nhuận định mức chỉ quy định 300 đồng/lít. Giá bán lẻ được điều chỉnh dựa vào giá cơ sở chứ không dựa vào giá vốn của từng doanh nghiệp. Vì thế, cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp phải biết cách giảm giá thành, lựa chọn bạn hàng, lựa chọn thời cơ nhập giá tốt để có giá vốn thấp hơn giá cơ sở, từ đó, sẽ có lợi nhuận thực tế cao hơn 300 đồng/lít lợi nhuận định mức.
Tuy nhiên, vì hiện nay, lợi nhuận định mức lại là một yếu tố cố định trong kết cấu tính giá cơ sở nên đã gây nhầm lẫn về lãi lỗ thực tế của doanh nghiệp. Để minh bạch lãi lỗ này trong mỗi lần điều chỉnh giá, Bộ Tài chính đã dự kiến sẽ đưa khoản lợi nhuận này ra khỏi công thức tính giá cơ sở. Đồng thời, khống chế mức lợi nhuận cho Tổng đại lý và đại lý. Theo đó, lợi nhuận định mức tối đã cho doanh nghiệp đầu mối vẫn là 300 đồng nhưng trong đó, sẽ có 100 đồng là lợi nhuận định mức dành cho các đại lý.
Khống chế thù lao cho đại lý
Mức thù lao đại lý hiện nay theo quy định là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp đầu mối và đại lý. Tuy nhiên, trong công thức tính giá cơ sở, khoản chi phí kinh doanh nói chung, Bộ Tài chính lại quy định cứng chỉ có 600 đồng/lít đối với xăng, dầu diezen, dầu hỏa, riêng dầu madut là 400 đồng/kg. Để giành giật thị phần, vừa qua, các doanh nghiệp đầu mối thường chiết khấu có lúc cao hơn cả các mức trên, dẫn đến cuộc đua ganh tăng phí hoa hồng, khiến cho chính các doanh nghiệp đầu mối bị thiệt hại, thị trường phân phối xăng dầu trở nên lộn xộn.
Trên thực tế, các mức trên đến nay là đã lạc hậu, do áp dụng từ năm 2009. Vì vậy, qua khảo sát nghiên cứu thực tế, Bộ Tài chính đề nghị tăng trong chi phí kinh doanh, chi phí bán lẻ bình quân tại các địa bàn gần cảng nhập khẩu, gần nhà máy chế biến sẽ tăng lên 860 đồng/lít đối với xăng, dầu hỏa, dầu diezen.
Chi phí bán lẻ bình quân ở các địa bàn khác sẽ được tính tối đa bằng 860 đồng/lít cộng thêm 2% mức giá bán lẻ xăng dầu tại khu vực gần cảng, gần nhà máy chế biến.
Trong đó ,thù lao cho đại lý được khống chế không quá 50% chi phí bán lẻ bình quân trên.
Đối với chi phí bán buôn cho dầu madut, bộ Tài chính đề xuất sẽ tăng từ 400 đồng hiện nay lên 500 đồng/kg.
Quỹ bình ổn xăng dầu do Nhà nước quản lý
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng, việc kiểm soát quỹ này rất phức tạp. Quỹ để tại doanh nghiệp, hạch toán nội bộ nên có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp lạm dùng nguồn vốn quỹ để sử dụng sai mục đích, nhất là khi thị trường khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến sự mất công bằng giữa những doanh nghiệp lớn, có nguồn quỹ lớn và doanh nghiệp nhỏ có số dư quỹ nhỏ.
Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị chuyển Quỹ bình ổn giá xăng dầu về Kho bạc Nhà nước quản lý, quản lý tập trung để tạo sự tập trung, tránh cơ chế xin cho. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị xem xét lại nguyên tắc trích lập Quỹ, nên trích ngay ở khâu nhập khẩu hay ở khâu bán lẻ hiện nay.
Hôm 9/7 vừa qua, Chính phủ đã họp với liên Bộ Tài chính - Công Thương về vấn đề này.