Ngày 5-7, tại buổi họp báo thường kỳ sáu tháng đầu năm của Bộ Tài chính, hai vấn đề nóng nhất được báo giới chất vấn người chủ trì buổi họp báo - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - chính là việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 và việc tăng giá điện 5% từ 1-7.Pháp Luật TP.HCM xin lược thuật.
Còn độc quyền thì phải giám sát
. Phóng viên:Thưa Thứ trưởng, năm 2009 Bộ Tài chính đã từng giao quyền quyết định giá cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, với mục đích tạo thị trường cạnh tranh. Thế nhưng sau đó ngưng một thời gian và giờ giao lại cho DN. Vì sao chúng ta cứ loay hoay với chính sách điều hành giá như thế?
+ Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Hiện nay trên thị trường xăng dầu Việt Nam, Petrolimex chiếm đến hơn 60% thị phần nên khó có cạnh tranh đối với các DN khác. Đây là cái gốc của vấn đề xăng dầu Việt Nam tồn tại cơ chế độc quyền. Trong khi đó một số nước phát triển, DN xăng dầu lớn nhất cũng chỉ chiếm tối đa 12% thị phần, nếu vượt quá sẽ phải chịu giám sát hoặc giải thể. Do đó, về lâu dài chúng ta phải để mặt hàng xăng dầu và điện theo thị trường cạnh tranh.
Còn sở dĩ có sự thay đổi trong cách điều hành chính sách bởi đứng về mặt chuyên môn, một chính sách đưa ra cần nằm trong những bối cảnh và khuôn khổ pháp luật nhất định. Nếu bối cảnh thay đổi thì cũng cần có những thay đổi về chính sách.
Hiện nay, Petrolimex chiếm đến hơn 60% thị phần nên khó có cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác. Ảnh: HTD
. Bộ Tài chính giao quyền tự quyết cho DN nhưng lại yêu cầu các DN đăng ký để kiểm soát giá, liệu có phải mâu thuẫn và tạo ra cơ chế xin - cho?
+ Thực chất, Bộ Tài chính chọn giải pháp giao quyền cho DN chỉ mang tính tình thế vì chưa giải quyết được vấn đề gốc nêu trên. Việc giao quyền đó phải trên cơ sở quản lý của Nhà nước, bởi đây là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, nếu không giám sát, không đăng ký là không được. Chúng ta sẽ có biện pháp chống xin - cho, giám sát chặt việc đăng ký giá của DN. DN đã được giao quyền thì phải có nghĩa vụ công khai nội dung và thời điểm điều chỉnh giá trên các phương tiện thông tin. Việc giám sát này sẽ tránh được hiện tượng các DN cùng bắt tay ấn định giá.
Không lấy ngân sách bù lỗ
. Riêng đối với khoản lỗ 5.000 tỉ đồng của DN xăng dầu hiện còn “treo” sẽ xử lý ra sao, thưa Thứ trưởng?
+ Chắc chắn khoản lỗ này DN phải chịu trách nhiệm, trong năm nay và sang năm DN phải tiết kiệm chi phí, cải thiện công nghệ để bù lại khoản lỗ. Nhà nước không lấy ngân sách bù lỗ cho khoản này.
. Mới đây, một cục hải quan địa phương cho biết Petrolimex thực hiện kê khai thuế sớm trước khi Bộ Tài chính ban hành chính sách tăng thuế nhập khẩu xăng dầu để hưởng lợi hơn 64 tỉ đồng. Bộ Tài chính có biết việc này không?
+ Hiện tôi đã nắm được thông tin này, Bộ Tài chính đã giao cho các cơ quan thẩm quyền xác minh, kiểm tra các giấy tờ liên quan đến Petrolimex. Nếu sai sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Có khả năng Petrolimex đã vận dụng quy định cho phép đăng ký tờ khai thuế trước 15 ngày hàng nhập cảng để khai thuế sớm.
“Tăng giá điện 5% là hợp lý”
. Từ 1-7, EVN quyết định tăng giá điện thêm 5%, điều này tạo ra phản ứng từ dư luận trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì sản xuất đình đốn. Đặc biệt, lý do tăng giá điện với các thông số đầu vào như than, dầu, tỉ giá tăng xem ra chưa hợp lý và mập mờ. Quan điểm của Bộ Tài chính ra sao về ý kiến này?
+ Theo tôi, nếu cho rằng tăng giá điện thêm 5% không có cơ sở thuyết phục là nhận định chưa thấu đáo và thiếu cơ sở. Việc tăng giá điện 5% không bắt người dân phải gánh chịu do thất thoát điện năng, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN. Sau khi loại trừ các khoản này, EVN vẫn đang chịu lỗ nên lần điều chỉnh tăng này là hợp lý.
Điện là mặt hàng thiết yếu, để giá điện dưới giá thành sẽ làm méo mó nền kinh tế. Quan điểm của Bộ là cần tính đúng, tính đủ để mở rộng sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ điện, chống bao cấp cho một số DN nhưng phải đảm bảo tính thị trường.
. Vậy theo ông, tăng giá điện 5% sẽ tác động ra sao đến chỉ số giá sắp tới?
+ Qua tạm tính, nếu giá điện tăng 5% và giả định các yếu tố khác không thay đổi thì tác động đến chỉ số giá (CPI) vòng 1 là 0,123% và CPI vòng 2 là 0,246%, tổng tác động CPI hai vòng là 0,369%.
Tính miễn thuế TNCN theo mốc sáu tháng Liên quan đến phương án tính miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong sáu tháng cuối năm 2012, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết theo cách tính thông thường thì Thuế TNCN được tính theo cả năm chia bình quân tháng. Với cách tính này có người sáu tháng đầu cao hơn sáu tháng cuối, như thế sẽ thiệt thòi hơn. Sắp tới Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn phương án quyết toán cho sáu tháng cuối năm nhằm có lợi cho người dân bằng cách tách thu nhập bình quân của người nộp thuế thành sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm. Theo đó, người nộp thuế (không có người phụ thuộc) có thu nhập sau khi trừ gia cảnh cho bản thân với tổng thu nhập thực tế mỗi tháng là dưới 9 triệu đồng thì được miễn thuế TNCN. Dự kiến sẽ có 400.000 người được miễn thuế TNCN trong sáu tháng cuối năm 2012 với tổng số tiền ước tính khoảng 3.000 tỉ đồng. |