|
Bác bỏ kết luận “xăng dỏm” là nguyên nhân gây cháy xe nhưng Bộ Công thương lại chưa đưa ra được kết luận thuyết phục. Ảnh minh họa: Internet. |
Ngày 4/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chủ trì, vấn đề chất lượng xăng dầu và mối liên hệ đến hàng loạt vụ cháy xe, cả xe máy lẫn ô tô lại được đưa ra chất vấn.
Vấn đề này nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân cả nước, đặc biệt là sau khi có thông tin các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPTC), phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tiến hành thử nghiệm và đưa ra kết luận “xăng dỏm” là nguyên nhân chính gây cháy xe.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Pháp luật TPHCM về kết luận trên, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó vụ Khoa học - Công nghệ bộ công thương cho rằng: Kết luận của các chuyên gia TPHCM không đúng với thực tế vì mẫu xăng được sử dụng làm thí nghiệm không phải là mẫu xăng liên quan tới xe bị cháy (còn sót sau khi xe cháy hoặc xăng bán tại các cây xăng mà chủ xe bị cháy đã mua).
Ông Cường cũng cho biết, các thí nghiệm mà Trường ĐH Bách Khoa TPHCM tiến hành với các loại xăng kém chất lượng mà bản thân các loại xăng này đã không đảm bảo an toàn theo quy định nên kết luận đưa ra là không chính xác.
Trong số 25 vụ đã được Liên bộ điều tra, làm rõ nguyên nhân, có 9 vụ do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kỹ thuật, 4 vụ do tai nạn giao thông và 1 vụ do đốt
|
Trước đó, tại buổi họp báo diễn ra ngày 26/4, liên bộ Công an, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Công Thương đã công bố nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ xe cơ giới trên địa bàn cả nước thời gian qua là do chập điện.
Theo thống kê của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong khoảng 4 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 115 vụ cháy ôtô, xe máy (56 vụ cháy ôtô, 59 vụ cháy xe máy), làm bị thương 3 người, thiệt hại tài sản trị giá trên 20 tỷ đồng.
Trong số 25 vụ đã điều tra, làm rõ nguyên nhân, có 9 vụ do chập điện, 6 vụ do sơ suất, 5 vụ do sự cố kỹ thuật, 4 vụ do tai nạn giao thông và 1 vụ do đốt.
Trước những thắc mắc của người tiêu dùng về mối liên quan giữa chất lượng xăng lưu hành và các vụ cháy nổ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường cho biết đã kiểm tra 16 mẫu xăng dầu từ các xe bị cháy và 40 mẫu từ các cây xăng nơi chủ xe cháy đã mua nhưng không phát hiện có metanol và eceton trong xăng, các mẫu này đều phù hợp nên chưa có bằng chứng kết luận xăng, dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ xe cơ giới trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tới thời điểm này, tức là khoảng hơn 3 tháng kể từ khi hiện tượng cháy xe diễn ra trên diện rộng, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được kết luận cụ thể về nguyên nhân cháy xe để yên lòng người sử dụng.
Quan trọng hơn nữa là việc mập mờ nguyên nhân cháy xe khiến những người tiêu dùng có xe bị cháy không biết “bám víu” vào đâu để đòi bồi thường mà theo ước tính của liên bộ là khoảng 20 tỷ đồng.