Hiện, hai Bộ đang đánh giá tác động của việc loại bỏ xăng A83, xem xét mức độ tác động tới sản xuất, tiêu dùng cũng như các hậu quả phát sinh.
Dùng ít, gian lận nhiều
Trở lại cách đây hơn 5 năm, năm 2007, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ ngừng sản xuất, lưu thông xăng A83 nhưng không được chấp thuận. Lý do là xăng A83 vẫn được sử dụng ở một số vùng sâu, xa, một số cơ sở chế biến xăng A83 mới đầu tư đi vào sản xuất. Do đó, Bộ KH&CN đã đề nghị cần tiếp tục lưu thông, chế biến sản xuất tiêu thụ. Và đến nay, hai doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vẫn được phép sản xuất và lưu thông xăng A83 là Công ty Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn và Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty Nam Việt với sản lượng trên 400.000m3 mỗi năm. Con số này tuy chỉ bằng khoảng 5% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường mỗi năm nhưng nó làm ảnh hưởng không ít đến thị trường xăng dầu khi bị một số đơn vị, cá nhân lợi dụng.
Trong một công bố mới đây, TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết, cứ mỗi 1% methanol pha vào xăng sẽ làm tăng một đơn vị chỉ số octan trong xăng. Trung tâm này đã thử nghiệm pha methanol với từng tỉ lệ một vào xăng, sau đó kiểm nghiệm, đo đạc, phân tích từng mẫu. Kết quả cho thấy, muốn chỉ số octan tương tự như xăng A92 chỉ cần pha thêm 9% methanol vào xăng A83. Muốn octan bằng xăng A95, pha thêm 12% vào xăng A83. "Khi pha trộn, người ta tính toán để cho ra xăng như ý muốn mà không vi phạm tiêu chuẩn. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng từng có ý kiến phải quy định khống chế methanol.
Thực chất, methanol là một loại rượu (nhưng rất độc), nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy. Nó là chất lỏng phân cực, được sử dụng như một dung môi trong lĩnh vực phụ gia, sơn, mỹ phẩm, làm biến tính cho ethanol hoặc là nhiên liệu làm cồn khô. Giá của loại hóa chất này hiện dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/lít và được bán phổ biến tại các cửa hàng, đại lý hóa chất với số lượng không hạn chế nếu khách có yêu cầu.
Người tiêu dùng chờ các cơ quan quản lý
Thực tế, để xác định có methanol trong xăng hay không phải lấy mẫu, phân tích mà không thể nhận biết, phân biệt bằng mắt thường. Người tiêu dùng càng không thể nhận biết được xăng mình mua có bị pha methanol hay không. Để kết luận doanh nghiệp có pha methanol vào xăng hay không lại càng khó hơn khi phải chứng minh được hành vi pha trộn. Khi kiểm tra mà phát hiện tại cây xăng có xăng không đạt chất lượng, mức phạt cũng chỉ dừng lại ở hành vi vi phạm về tiêu chuẩn mà thôi.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến việc kết luận xăng, dầu là nguyên nhân gây cháy nổ của các phương tiện xe máy, ô tô thời gian qua. Tuy nhiên, kết luận của Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh rằng, "xăng dỏm" là tác nhân chính gây cháy xe - đã cho thấy, việc bảo đảm chất lượng xăng, dầu trong lưu thông, phân phối là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, thời gian qua cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ cần sớm loại bỏ hoàn toàn việc sản xuất và lưu thông xăng A83 mà cả những loại xăng A90 cũng cần phải loại bỏ ra khỏi thị trường. Điều này vừa góp phần đảm bảo chất lượng xăng, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời, giảm tối đa việc gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu. Không thể chỉ vì lợi ích nhóm hay của một vài doanh nghiệp mà làm méo mó thị trường, gây khó cho cả người tiêu dùng và nhà quản lý.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là sẽ xử lý sao với lượng xăng tồn A83 đã nhập từ trước đó. Thậm chí, trong trường hợp lệnh cấm sử dụng, tiêu thụ xăng A83 được đồng ý nếu không tính tới khâu quản lý, kiểm soát việc thực hiện, việc nhập lậu, chế biến lậu vẫn có thể xảy ra. Và hậu quả của nó vấn là những người tiêu dùng phải gánh chịu./.