Ông Võ Văn Quyền cho rằng, việc giảm giá xăng dầu vừa qua thực hiện đúng theo nguyên tắc quản lý giá bán tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Bởi lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, tối thiểu sau 30 ngày giá xăng dầu mới được phép điều chỉnh. Nhưng trong điều 27 Nghị định 84 quy định rõ thời gian điều chỉnh giá: là thời gian giữa hai (02) lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là mười (10) ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là mười (10) ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá.
“Để điều chỉnh giảm hay tăng giá bán xăng dầu phải lấy giá thế giới bình quân trong 30 ngày trước đó (trước thời điểm điều chỉnh) làm căn cứ. Ví dụ, muốn điều chỉnh giá vào ngày 20/4 thì phải lấy giá thế giới bình quân 30 ngày trước đó, từ 20/4 trở về 19/3 làm căn cứ; hay muốn điều chỉnh giảm vào ngày 8/5 thì phải tính giá thế giới bình quân 30 ngày trước đó, từ 8/5 trở về ngày 7/4 làm căn cứ…”- Ông Quyền giải thích rõ.
Với nguyên tắc đó, tại thời điểm giảm giá xăng dầu ngày 8/5 vừa qua, tính bình quân giá thế giới từ 9/4 đến 8/5 đối với xăng 92 là 128,894 USD/thùng, tương đương với giá cơ sở theo Nghị định 84 là 22.977 đồng/lít; dầu diezen 0,05S là 133,464 USD/thùng, tương đương với giá cơ sở là 21.294 đồng/lít. Nếu so sánh giữa giá cơ sở với giá bán lẻ khi chưa giảm giá thì xăng 92 có lãi 823 đồng/lít; dầu diezen 0,05S lãi 606 đồng/lít.
Tuy nhiên, sau khi giảm giá và tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên 2%, tức là xăng giảm 500 đồng/lít cộng thuế nhập khẩu khoảng 340 đồng/lít thì đã “ăn” vào lãi định mức của doanh nghiệp (300 đồng/lít). Tương tự, đối với dầu diezen, giảm giá 300 đồng/lít cộng với thuế khoảng 352 đồng/lít thì lợi nhuận không còn. Vì thế, đợt tăng thuế nhập khẩu và giảm giá xăng dầu vừa qua đã ở mức tối đa.
Ông Võ Văn Quyền cho biết, mặc dù hiện nay giá xăng dầu thế giới đã giảm nhưng nhìn tổng thể cả một thời gian dài thì xu hướng giá xăng dầu vẫn tăng. Tại thời điểm 19/4/2012 khi giá xăng 92 trong nước tăng lên 900 đồng/lít, giá dầu diezen 0,05S tăng 500 đồng/lít thì giá xăng A92 thế giới bình quân trong 30 ngày là 133,524 USD/thùng; giá dầu diezen 0,05S là 136,627 USD/thùng. Còn tại thời điểm giảm giá trong nước ngày 8/5 thì giá thế giới bình quân 30 ngày là 128,893 USD/thùng; giá dầu diezen là 133,464 USD/thùng. Nếu tính giá thế giới bình quân 30 ngày, từ ngày 9/4 đến 8/5 so với bình quân 30 ngày trước đó giá các loại xăng dầu thành phẩm giảm từ 2,78-4,69%. Mức giảm giá xăng dầu cộng với thuế đã tương đương mức giảm giá xăng dầu thế giới. Vì thế, việc giảm giá vừa qua của Liên Bộ là rất kịp thời và đã giảm ở mức tối đa.
Ông Quyền cũng cho biết thêm, việc giảm giá xăng dầu vừa qua hoàn toàn không do sức ép của dư luận, và không có chuyện kéo dài thời gian giảm giá để doanh nghiệp có lãi bù đắp khoản lỗ trước đó.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa- Cục trưởng Cục quản lý Giá Bộ Tài chính- cho rằng: Vì sao phải đưa thuế vào giá bán xăng dầu, vì quan điểm là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng ta phải khôi phục dần mức thuế nhập khẩu vì đã giảm về 0% từ rất lâu. Theo khung thuế, xăng 20% và diesel 15%, nhưng lần này ta mới tăng được 2%. Việc giảm giá bán lẻ xăng dầu cũng thực hiện chủ trương điều hành là đảm bảo các nhóm lợi ích. Bên cạnh đó, việc tăng thuế nhập khẩu là nhằm giảm bù ngân sách cho chênh lệch thuế của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Tập đoàn dầu khí VN - PVN). Theo quy định của hợp đồng liên doanh đầu tư dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, với mức thuế cam kết bao tiêu là 7%, nếu thuế nhập khẩu thấp hơn bao nhiêu thì ngân sách nhà nước phải bù bấy nhiêu.
Mặt khác, khi giá dầu thế giới xuống thấp, ta phải khôi phục dần thuế để có nguồn lực tài chính tiếp tục thực hiện bình ổn giá khi giá thế giới cao. Dự báo từ nay đến cuối năm, vào mùa đông, nhu cầu dầu tăng thì giá xăng dầu có thể nhích lên. Việc khôi phục thuế cũng nhằm chuẩn bị nguồn lực để lúc ấy có thể có thêm công cụ kết hợp để bình ổn giá.