Trao đổi với báo chí chiều 2/5, ông Võ Văn Quyền cho hay, bộ Công Thương và Bộ KHCN đã thống nhất sẽ trình Thủ tướng việc chấm dứt sử dụng xăng A83 tại thị trường Việt Nam.
Hiện, hai bộ đang đánh giá tác động của việc loại bỏ xăng A83, xem xét mức độ tác động tới sản xuất, tiêu dùng cũng như các hậu quả phát sinh. Theo ông Quyền, ngay từ năm 2007, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ ngừng sản xuất, lưu thông xăng A83 nhưng không được chấp thuận. Tại thời điểm này, xăng A83 vẫn được sử dụng ở một số vùng sâu, xa, một số cơ sở chế biến xăng A83 mới đầu tư đi vào sản xuất. Do đó, bộ KHCN đã đề nghị cần tiếp tục lưu thông, chế biến sản xuất tiêu thụ. Tuy nhiên, đến nay, việc loại bỏ hẳn xăng A83 là cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng xăng dầu.
Hiện nay, xăng A83 được sản xuất rất ít và chỉ dùng chủ yếu cho các ghe thuyền, một số máy nông nghiệp ở vùng miền Tây. Trong khi đó, với trị số ốc tan thấp, xăng A83 có giá rẻ hơn xăng A92 tới 500 đồng/lít. Nhiều vụ gian lận về chất lượng xăng như bán xăng A92 nhưng trị số ốc tan lại thấp, không đạt chuẩn đã bị phát hiện gần đây. Trong đó, thủ thuật đơn giản nhất là các cây xăng đã pha chế xăng A83 vào xăng A93 hoặc bán xăng A83 với giá xăng A92 để hưởng chênh lệch giá.
Tuy vậy, việc loại bỏ xăng A83 ngay trong năm 2012 hay không thì đại diện Bộ Công Thương cho hay, đây là việc do cấp Thủ tướng quyết định, các bộ chỉ trình đề nghị.
Đồng thời, ông Võ Văn Quyền cho biết thêm, liên bộ chưa tính toán việc giảm giá bán lẻ xăng dầu. Do có Quỹ bình ổn giá và thuế nhập khẩu được sử dụng, cùng đó là cơ chế tính 30 ngày làm căn cứ để điều tiết giá xăng dầu nên thời gian qua, giá bán lẻ trong nước thường có độ trễ so với xu hướng thế giới. Nói cách khác, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước chưa tăng ngay và ngược lại, giá xăng dầu thế giới giảm, giá trong nước cũng chưa thể giảm ngay.