Tăng giá xăng dầu: Bất khả kháng
Giá xăng dầu thế giới tăng cao, sau khi các công cụ trong nước như thuế, phí đã được vận dụng tối đa để giữ bình ổn thị trường thì việc tăng giá xăng dầu vào ngày 7/3 vừa qua là việc bất khả kháng. Tuy nhiên, mức tăng dù được cân nhắc rất kỹ này chắc chắn sẽ gây những tác động đến nền kinh tế.
|
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xung quanh vấn đề này.
Việc tăng giá xăng dầu lần này theo ông có phải là quá bất ngờ không?
Theo tôi việc giá xăng dầu trong nước tăng trong thời gian vừa qua là bình thường và không phải là quá bất ngờ, bởi vì giá xăng dầu thế giới đã tăng rất cao, trong khi những công cụ để kìm giữ giá trong nước đã sử dụng hết. Nếu không tăng giá xăng dầu sẽ làm ảnh hưởng mạnh đến DN kinh doanh xăng dầu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung. Thực tế khi giá xăng dầu quá thấp, đã có nhiều cây xăng đóng cửa không bán hàng nữa. Đây là điều hết sức nguy hiểm.
Tuy nhiên, cũng phải nói là ở lần tăng này, mặt hàng này đã tăng đến 10%. Tôi cho rằng đây là mức tăng giá khá cao. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cũng như tâm lý của người dân.
Vậy việc tăng giá này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số CPI tháng tới, cũng như lạm phát cả năm của Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng việc tăng giá xăng dầu lần này sẽ tác động mạnh đến chỉ số CPI bởi đây là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến đời sống. Tuy nhiên nó sẽ tác động qua nhiều vòng, ví dụ như tác động qua giá vận tải, giá vận tải lại sẽ tác động lên giá hàng hóa thiết yếu…
Thưa ông, cần phải có những giải pháp nào để hạn chế giá xăng dầu tăng gây ảnh hưởng đến CPI cũng như lạm phát, nhất là trong hoàn cảnh CPI 2 tháng đầu năm đã có dấu hiệu giảm?
Vấn đền này cần phải có sự tính toán và cân đối cụ thể đối với các yếu tố giá đầu vào – đầu ra, từ đó quản lý và tránh tình trạng tăng giá không cần thiết. Về vấn đề giá, cần có sự tích cực vào cuộc của các liên ngành để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân./.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 7/3, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã chính thức thông qua quyết định tăng giá xăng dầu với mức khá cao. Cụ thể, mức bán lẻ xăng RON 92 từ 20.800 đ/lít lên mức 22.900 đ/lít; dầu diezel cũng điều chỉnh tăng 1.000 đ/lít (diezel 0,05S từ 20.400 đ/lít lên mức 21.400 đ/lít).
Để tiếp tục bình ổn giá xăng dầu trong nước, ngày 8/3, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/2012/TT-BTC, chính thức điều chỉnh thuế nhập khẩu nhiên liệu dầu diesel về mức 0% thay vì mức 3% như trước đây. Như vậy, cùng với việc giảm thuế nhập khẩu cho xăng trước đó, thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng động cơ và dầu hiện nay đều ở mức 0%.
|