Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều tối 6/3.
Mạnh tay với tình trạng “găm” hàng
Vài ba ngày trở lại đây, tại một số tỉnh, thành miền Trung và phía Nam như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP HCM lại đang tái diễn tình trạng cây xăng đóng cửa “găm” hàng chờ giá xăng điều chỉnh tăng mới “tung” hàng ra bán để hưởng lợi lớn.
Chia sẻ về quan điểm của Chính phủ về giá xăng dầu, cũng như tình trạng “găm” giữ mặt hàng này chờ lên giá mới đẩy hàng ra bán tại một số tỉnh, thành phố được báo chí phản ánh, ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận, hiện tượng này là có, và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương triệt để điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 (điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều hành của nhà nước).
“Thủ tướng giao Bộ Công thương xem xét ngay, xử lý nghiêm hiện tượng này. Mọi hành vi kinh doanh mang tính trục lợi làm rối loạn thị trường sẽ phải xử lý nghiêm” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Sẽ tăng ở mức vừa phải
Giải thích thêm về việc điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai bổ sung, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh theo Nghị định 84 của Chính phủ, đảm bảo theo cơ chế thị trường.
Bà Mai phân trần: trong tháng 2/2012 giá xăng dầu đã tăng lên mức cao nhất 9 tháng qua, ở mức 5-7% tùy từng mặt hàng. Tùy theo từng mặt hàng xăng dầu thành phẩm tăng giá 2-7%, tăng mạnh nhất là xăng thành phẩm, tới 7%. Với giá xăng dầu hiện nay, giá cơ sở nếu chưa tính sử dụng quỹ bình ổn giá cao hơn giá bán hiện hành trên dưới 2.000 đồng tùy từng mặt hàng, còn nếu trừ đi mức trích quỹ BOG, mức chênh lệch này là 1.000 đồng. “Như vậy, giá bán trong nước hiện nay so với các nước trong khu vực, các nước có chung đường biên giới đang thấp hơn từ 6.000-8.000 đồng/lít” – bà Mai thông tin.
Mức đề xuất tăng giá cụ thể đã được các doanh nghiệp đầu mối gửi lên Bộ Tài chính. Theo tiết lộ của lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiện các doanh nghiệp đã cố gắng, nhưng khó cầm cự lâu hơn do giá xăng dầu nhập tăng chóng mặt. Mức đề xuất cụ thể mà đơn vị này đưa ra là tăng 1.000 đồng/lít xăng dầu sau khi trừ mức trích quỹ BOG. Lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận, đã nhận được đề xuất tăng giá từ phía doanh nghiệp, nhưng Bộ vẫn đang cân nhắc, chưa quyết định mức tăng cụ thể.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng khẳng định: “Các công cụ thuế, trích quỹ BOG sẽ được tận dụng, nếu khi sử dụng hết “room” các công cụ này mà giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán hiện hành thì sẽ điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu ở mức hợp lý, vừa đảm bảo cho DN có mức lãi hợp lý, vừa tránh để giá bán lẻ tăng quá mạnh, ảnh hưởng tới túi tiền người tiêu dùng và đời sống người dân”.
Kiểm soát chặt đăng ký giá gas
Theo Bộ Tài chính, qua kiểm tra giá tại 564 đơn vị kinh doanh ở 40 tỉnh, thành đã phát hiện nhiều trường hợp đại lý vi phạm đăng ký giá, niêm yết giá bán, bán không đúng giá quy định đăng ký… Do gas là mặt hàng kinh doanh đăng ký giá, nên ngoài mức xử phạt, sắp tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chặt về giá đối với mặt hàng này.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, cơ quan này đang cân nhắc trước đề xuất của Hiệp hội Gas Việt Nam về việc cho đấu thầu minh bạch sản lượng gas do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sản xuất cho các doanh nghiệp bán buôn bán lẻ để tăng thêm nguồn cung cho thị trường, nhằm bình ổn giá và tránh giảm tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.
|