|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
|
Bộ Công thương đánh giá thế nào về biến động giá dầu trên thị trường quốc tế trong khoảng 1 tháng trở lại đây, thưa ông?
Những biến động của giá dầu thô thế giới thời gian qua đang được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp theo dõi rất sát. Nếu kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái và Liên minh châu Âu (EU) vẫn khó khăn, thì giá dầu thế giới có thể sẽ vẫn tăng/giảm ở biên độ không đáng kể so với giá trung bình của năm 2011, tức khoảng 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, hiện có những yếu tố ảnh hưởng khác, khiến giá dầu 2012 có khả năng cao hơn 2011. Đó là những bất ổn chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi và việc EU áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran – nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới.
Trong thực tế, giá dầu thế giới đã tăng trong những ngày đầu tháng 12/2011 khi Iran tổ chức tập trận để sẵn sàng đóng cửa eo biển Hormuz (cửa ngõ quan trọng mang tính chiến lược của nguồn xuất dầu từ Trung Đông ra thế giới) nếu cần thiết.
So với tháng 12/2011, giá bình quân trong tháng 1/2012 của mặt hàng xăng A92 tăng 8,3%, dầu diesel 0,05S tăng 3,9%, dầu hỏa KO tăng 3,1%, dầu mazut FO tăng 7,8%, dầu thô WTI tăng 1,8%. Nếu so với cùng kỳ năm 2011, giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 1/2012 đã tăng khá nhiều, như xăng 92 tăng 15,7%, dầu diesel 0,05S tăng 18,7%, dầu hỏa KO tăng 15,3%, dầu mazut FO tăng 34,7%, dầu thô WTI tăng 11,9%.
Trung Đông bất ổn sẽ khiến nguồn cung cấp dầu từ khu vực này bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu.
Giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng ra sao tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước?
Giá dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá xăng dầu tại Việt Nam. Do xăng dầu là yếu tố đầu vào của hầu như tất cả các ngành kinh tế, nên giá đầu vào tăng, trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, sẽ kéo theo giá đầu ra sản phẩm tăng lên, dẫn đến chỉ số giá cả nói chung gia tăng, ảnh hưởng đến sức mua của xã hội và gây áp lực đối với lạm phát.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về tài chính, nên vẫn sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu hao nhiều nhiên liệu, vật tư, nên sẽ chịu ảnh hưởng mạnh trước áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là xăng dầu.
Giá xăng dầu tăng tác động ngay đến giá của các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu trực tiếp, như sản xuất giày da, nhựa, vải, dệt may.
Trong khi đó, ảnh hưởng dây chuyền, thể hiện ở việc các mặt hàng làm yếu tố trung gian tăng giá do giá xăng dầu tăng, cũng tác động không nhỏ. Đơn cử, doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí vận tải tăng.
Một số dự báo cho rằng, giá dầu có thể lên tới 150 USD/thùng. Bộ Công thương có những dự kiến kịch bản nào để đảm bảo ổn định nhu cầu xăng dầu cho nền kinh tế, nếu giá dầu lên cao như vậy?
Việt Nam hiện vẫn là nước nhập khẩu xăng dầu lớn. Năm 2009, lượng xăng dầu nhập khẩu phục vụ tiêu thụ nội địa đạt khoảng 13,2 triệu m3/tấn các chủng loại. Từ năm 2010, do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đáp ứng được một phần, nên xăng dầu nhập khẩu phục vụ tiêu thụ trong nước giảm còn khoảng 8,8 triệu m3/tấn năm 2010 và 10,3 triệu m3/tấn năm 2011. Năm 2011, xăng dầu tiêu thụ nội địa đạt khoảng 15,6 triệu m3/tấn các chủng loại. Năm 2012, với dự báo GDP tăng trưởng 6-6,5%, giá xăng dầu tiêu thụ nội địa sẽ tăng tối thiểu 6% so với năm 2011 và đạt khoảng 16,54 triệu m3/tấn các chủng loại.
Sau khi cân đối nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã tiến hành phân giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu năm 2012 cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối, với tổng hạn mức tối thiểu là 10,1 triệu m3/tấn các chủng loại. Tổng nguồn năm 2012 (bao gồm nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước) bảo đảm đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đồng thời, Bộ Công thương đã yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối không nhập khẩu thấp hơn hạn mức nhập khẩu tối thiểu được giao và bảo đảm đúng tiến độ nhập khẩu.
Việc điều hành kinh doanh xăng dầu hiện nay còn được thực hiện thông qua các công cụ như chính sách thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá. Bộ Công thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong điều hành giá xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Hai bộ sẽ theo dõi sát tình hình để điều hành kinh doanh xăng dầu một cách linh hoạt và hiệu quả.