Theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), hiện chênh lệch giá cơ sở vẫn cao so với giá bán lẻ hiện hành.
Cụ thể, khi thuế nhập khẩu xăng A92 là 4%, giá cơ sở xăng A92 cao hơn 2.500 đồng/lít so với giá bán lẻ, sau khi thuế giảm về 0%, khoảng chêch lệch này vẫn còn 2.005 đồng/lít. Dầu Diezel hiện cũng có giá cơ sở chênh tới 1.600 đồng/lít so với giá bán lẻ, dầu hỏa 1.200 đồng/lít và dầu madut chênh cao hơn 2.000 đồng/lít.
Trong khi đó, 7 ngày qua giá thế giới vẫn không hạ nhiệt mà còn tăng mạnh. Giá xăng A92 thành phẩm trên thị trường Singapore ngày 27/2 đã lên gần 134 USD/thùng. Giá dầu diesel lên tới gần 138 USD/thùng trong khi giá bình quân 30 ngày ở thời điểm 21/2 chỉ là 131,26 USD/thùng.
Đại diện SaigonPetro cho hay, ngay trước ngày 21/2, công ty đã gửi văn bản xin Bộ cho tăng giá từ từ 1.000- 1.500 đồng/lít các mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ không chấp thuận mà thay vào đó là điều chỉnh thuế. Mức giảm thuế này chỉ đủ bù lại được khoảng 600-700 đồng/lít trong khi số lỗ thực tế của doanh nghiệp là lớn hơn.
Theo phân tích của vị này, với tính toán của Bộ Tài chính thời điểm đó, giảm thuế cộng với việc xả Quỹ bình ổn 1.400 đồng/lít xăng, các doanh nghiệp hòa vốn, nhưng trên thực tế thì không như vậy.
Với riêng SaigonPetro, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn kiệt từ lâu. Mức trích lập chỉ 300 đồng/lít trong khi mức sử dụng Quỹ như với xăng đã gấp tới 2,5 lần.
"Nếu giá thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh như hiện nay, đầu tháng 3 chúng tôi sẽ phải tính toán lại và phải xin tăng giá", vị đại diện SaigonPetro nói.