Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế kì cựu cho biết: “Trong tháng 1 vừa qua, sản xuất công nghiệp giảm 12,9%, xuất khẩu giảm 28,5% so với một tháng trước đó (tức tháng 12/2011), và giảm 11,1% so với cùng kì năm ngoái”.
|
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh |
Không chỉ thế, ông Doanh cho biết thêm, đơn đặt hàng cho ngành dệt may và da, giày cũng giảm. Nhập khẩu giảm 29,5% so với tháng 12/2011 và giảm 18,7% so với cùng kì năm ngoái. Khu vực kinh tế trong nước cũng giảm 35,3%. Điều đó thể hiện hoạt động kinh tế giảm sút nghiêm trọng.
Trong tháng đầu năm nay, đầu tư nước ngoài đạt 37,3 triệu USD, chỉ bằng 2,5% so với cùng kì năm trước, trong đó cấp phép mới đạt 29,5 triệu USD, chỉ bằng 2,4% so với cùng kì năm 2011.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, số doanh nghiệp đăng kí mới giảm 36% về số lượng doanh nghiệp và giảm 56% về vốn so với cùng kì năm 2011. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động lại lớn.
“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2012 tăng 1% so với tháng cuối năm 2011, tăng 17,27% so với cùng kì năm ngoái. Dự báo CPI năm 2012 có thể sẽ tăng khoảng 12%, kéo theo sự tăng giá của điện, than, xăng dầu, phí dịch vụ y tế …Trong khi đó, sức mua giảm sút rõ rệt. Cụ thể, trong Tết Nhâm Thìn vừa qua, sức mua chỉ tăng 4% so với 8,7% của Tết Tân Mão”, ông Doanh nói.
Còn theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, tỷ giá VNĐ/USD sẽ tăng khoảng 3% trong năm 2012. Trong năm 2011, VNĐ đã mất giá 18,58%, giá vàng tăng 24% song tỷ giá VNĐ/USD chỉ tăng 10,2% có nghĩa là VNĐ đã lên giá thực tế so với USD khoảng 9%.
“Nếu dự báo trên là đúng, năm 2012, VNĐ sẽ tiếp tục lên giá khoảng 8% nữa và sẽ bất lợi cho xuất khẩu, nhưng khuyến khích nhập khẩu”, ông Doanh nhấn mạnh.
Thoái vốn đầu tư ngoài ngành 20.000 tỷ đồng trước 2015
Ông Doanh cho biết theo tính toán, các tập đoàn nhà nước sẽ phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành khoảng 20.000 tỷ đồng trước năm 2015.
Ông Doanh nhận định, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các tập đoàn, ngân hàng thương mại… được đẩy mạnh sẽ tạo cú hích cho thị trường tài chính.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã bị suy yếu nhiều vẫn phải thích nghi với lãi suất, lạm phát để tồn tại và phát triển. Đối với việc tái cơ cấu ngân hàng, nhóm mất thanh khoản sẽ sát nhập hoặc bị mua lại; nhóm tạm thời có khó khăn cần được hỗ trợ thanh khoản, bắt buộc áp dụng các chuẩn mực quản lý; nhóm các ngân hàng ổn định cần chuẩn mực kế toán, chuẩn mực an toàn quốc tế”, ông Doanh nhấn mạnh.