Khi tình trạng xe máy, ôtô tự bốc cháy vẫn liên tục xảy ra mà nghi vấn lớn nhất tập trung vào xăng dầu kém chất lượng từ tình trạng tài xế xe bồn rút ruột rồi pha chế thêm dung môi khác cho đủ số lít đã lấy cắp; hoặc từ hiện tượng thu mua, tiêu thụ xăng dầu trôi nổi... Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1 tài xế xe bồn ăn cắp xăng dầu bị đề nghị truy tố. Mặc cho chủ xe thiệt hại, người dân hoang mang, các chủ cây xăng và cả DN kinh doanh xăng dầu, DN vận chuyển xăng dầu vẫn dửng dưng ngoài cuộc.
Thực trạng này càng khiến dư luận xã hội thêm bất bình. Bởi ngay sau khi hiện tượng chủ cây xăng trộm cắp, rút ruột xăng dầu, bán xăng dầu kém chất lượng rộ lên cách đây 3-4 năm, một loạt văn bản quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu đã được ban hành bổ sung. Qua đó, trách nhiệm của DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, DN vận chuyển, tổng đại lý, đại lý bán lẻ… được quy định hết sức chặt chẽ.
Theo LS Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa, trong quá trình đấu thầu vận chuyển xăng dầu, quy định về các điều kiện tham gia vận chuyển xăng dầu cũng hết sức chi tiết. Vì vậy khó có chuyện lái xe đưa nguyên xe bồn đầy xăng dầu ghé vào một điểm nào đó hàng chục phút mà người quản lý không chịu trách nhiệm gì.
Ông Chung đặt giả thiết: Nếu không may xe bồn cũng phát cháy do đổ phải xăng dầu trôi nổi hay phát cháy trong quá trình rút trộm xăng dầu, thì đây chính là một “quả bom tấn” di động qua các khu dân cư, tuyến đường đông đúc. Hiện chủ xe container đã phải thực hiện gắn hộp đen trên xe để kiểm soát lộ trình, tốc độ… từ đó kéo giảm TNGT và hiện tượng vi phạm an toàn giao thông của tài xế. Vì vậy, theo ông Chung, không thể cứ bỏ ngỏ việc quản lý thời gian, lộ trình vận chuyển của xe bồn, một loại phương tiện có nguồn nguy hiểm cao độ với cộng đồng bằng cách buộc chủ xe bồn phải thực hiện gắn hộp đen để kiểm soát.
|
Xe bồn chở đầy chất dễ cháy nhưng thích ghé vào đâu là ghé. |
Ngày 17/2, ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học – Công nghệ) cho biết: Tổng cục đang trình văn bản kiến nghị ngừng sản xuất, nhập khẩu xăng A83 để giảm thiểu tình trạng gian lận chất lượng xăng dầu. Theo ông Vinh, nếu những năm trước, gian lận trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu là về đo lường thì gần đây chuyển sang gian lận về chất lượng.
Với xăng, ở Việt Nam hiện lưu hành 3 loại xăng là A83, A92, A95, tương ứng với các trị số ốctan khác nhau, trị số ốctan càng cao thì giá thành càng đắt. Gian lận xảy ra khi các đơn vị kinh doanh xăng dầu pha trộn A83 với A92, A95 để tăng trị số ốctan nhằm trục lợi. Tương tự, trong dầu, gian lận xảy ra với hàm lượng lưu huỳnh 0,05% và 0,25%. Trên thế giới, các nước tiên tiến chỉ dùng một loại xăng, để đảm bảo chất lượng, tránh pha trộn. Việt Nam cũng nên nghiên cứu quy về 1, 2 loại xăng cho dễ quản lý – ông Vinh nhấn mạnh