Bất cập trong quản lý hệ thống đại lý xăng dầu
Cả nước hiện có 13 doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Các DN đầu mối nhập khẩu để cung cấp xăng dầu cho 2 hệ thống: một là hệ thống kinh doanh trực thuộc, hai là cung cấp cho doanh nghiệp là tổng đại lý, sau đó tổng đại lý sẽ phân phối cho các đại lý của họ để bán cho người tiêu dùng.
Theo các ý kiến từ các DN đầu mối và các nhà quản lý, nguồn xăng dầu nhập khẩu và xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất được kiểm soát rất chặt chẽ về chất lượng nên khó xảy ra việc nhập và cung cấp xăng kém chất lượng. Đối với khâu tồn chứa tại các DN đầu mối việc quản lý cũng rất nghiêm ngặt, có các bộ phận kiểm tra chặt chẽ, như khi nhập phải lấy mẫu xăng dầu, khi xuất cũng lấy mẫu, trong quá trình bảo quản cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ. Khâu thứ 3 là vận chuyển xăng dầu từ kho của DN đầu mối đến các đơn vị tiêu thụ thuộc hệ thống hoặc các tổng đại lý, đại lý cũng được kiểm soát chặt thông qua việc liên tục lấy mẫu đối chiếu.
Tuy nhiên, những vi phạm về chất lượng xăng dầu được phát hiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là ở hệ thống các đại lý. Hiện nay cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó hệ thống của các DN đầu mối chỉ có trên 3.000 cửa hàng (chiếm 25 - 30%), còn lại là cửa hàng đại lý của tổng đại lý, DN tư nhân (chiếm khoảng 70 - 75%). Theo ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): “Trên 2.000 cửa hàng xăng dầu trực thuộc hệ thống, Petrolimex đã đầu tư rất tốn kém vào quy trình kỹ thuật cũng như các khâu quản lý chất lượng nên xăng dầu bán ra được đảm bảo chất lượng, số lượng, giá bán. Tuy nhiên, Petrolimex còn cung cấp xăng dầu cho 4.000 cửa hàng của đại lý, tổng đại lý, mà việc kiểm soát hệ thống này khá phức tạp, còn nhiều vấn đề bất cập”.
Theo Thông tư 36/2009/TT - BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ - CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 1 thương nhân đầu mối và thương nhân là đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 1 thương nhân đầu mối hoặc cho 1 thương nhân là tổng đại lý. Quy định trên nhằm để DN đầu mối dễ dàng kiểm soát các đại lý về chất lượng xăng dầu. Nhưng theo nhiều DN đầu mối phản ánh, thực tế một ông chủ có thể lập ra vài công ty làm đại lý hoặc tổng đại lý để lấy xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau. DN đầu mối khi phát hiện sai phạm chỉ có quyền cắt hợp đồng cấp hàng với đại lý. Nhưng, lại có tình trạng, các đại lý khi vi phạm bị cắt hợp đồng với đầu mối này thì lại chạy sang đầu mối khác mua hàng nên rất khó xử lý. Vì vậy, hoạt động của các đại lý còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu gia tăng trong thời gian gần đây là kinh doanh xăng dầu lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận vì thù lao thấp trong khi đầu tư một cửa hàng xăng dầu rất tốn kém nên để duy trì hoạt động, một số đại lý đã nảy sinh gian lận mua lại nguồn xăng dầu trôi nổi hoặc các hóa chất với giá rẻ để pha trộn vào xăng dầu.
Doanh nghiệp đầu mối phải sử dụng hết “quyền” với đại lý
Theo ý kiến của nhiều DN xăng dầu đầu mối, để tăng cường quản lý chất lượng xăng dầu tại hệ thống đại lý, tổng đại lý cần nghiêm túc thực hiện quy định của Nghị định 84 về: 1 tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với 1 thương nhân đầu mối và 1 đại lý chỉ được ký với 1 đầu mối hoặc với 1 tổng đại lý.
Để tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu tại hệ thống đại lý của mình, vừa qua PVOil đã lập kế hoạch kiểm tra chất lượng xăng dầu tại các bể chứa của các đại lý. Theo đó, PVOil đã gấp rút xây dựng một phòng thí nghiệm, thay vì chỉ lấy mẫu một lần duy nhất, tới đây PVOil có thể sẽ lấy mẫu của bất kỳ đại lý nào và vào bất kỳ thời điểm nào. SaigonPetro cũng tiến hành lắp thiết bị định vị, giám sát hành trình của xe chở xăng dầu.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền đồng tình với các DN là nếu vận hành thị trường xăng dầu một cách thông suốt theo cơ chế thị trường và các yếu tố thị trường được phản ánh đầy đủ thì có điều kiện để giảm gian lận. Do đó, theo ông Quyền, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét vấn đề điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường, bù lỗ, tăng chi phí, chính sách hoa hồng cho đại lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát... để tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu. “Nhiều trường hợp sai phạm xảy ra là do DN chưa làm hoặc chưa thực hiện hết quyền của mình với đại lý. DN đầu mối xăng dầu không chỉ có trách nhiệm chính về chất lượng với hệ thống phân phối cửa hàng, kho, bãi và đại lý trực thuộc mà còn phải có trách nhiệm quản lý chất lượng đối với tất cả các tổng đại lý và đại lý có bán hàng của mình”, ông Quyền yêu cầu.