Theo Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng hướng dẫn về phòng cháy, Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, từ 1/1/2011-1/1/2012 cả nước đã xảy ra 72 vụ cháy xe (22 vụ xe máy và 50 vụ cháy xe ôtô) trong đó chỉ làm rõ nguyên nhân được 25 vụ.
Tính chung trong 2 năm 2010 - 2011 cả nước đã xảy ra 324 vụ cháy xe cơ giới (ôtô 276 vụ, xe máy 48 vụ) trong đó có tới 30,2% cháy xe do chập điện; 15% số vụ cháy do sự cố kỹ thuật như bó phanh, nổ lốp... Thượng tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, qua các vụ cháy, lực lượng chức năng vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân cháy xe là do xăng dầu.
Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều chuyên gia khoa học “nghiêng” về chất lượng xăng, dầu là một nguyên nhân chủ yếu gây ra hàng loạt vụ cháy xe.
TS. Hoàng Mạnh Hùng, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - người đã có hơn 30 năm điều tra nhiều vụ án liên quan đến cháy nổ - đưa ra nhận định, xăng dầu có thể đã bị người bán dùng các loại dung môi công nghiệp giá rẻ để trộn vào. Các dung môi lẫn trong xăng có thể tác động dần dần và tới lúc nào đó mới rò rỉ ra ngoài ở dạng lỏng hay ở dạng bay hơi. Khi xăng bị rò gặp tia lửa điện do chập điện, hay do xe đổ mài xuống đường có thể dẫn đến cháy xe.
Đưa ra ví dụ cụ thể, TS. Hùng cho biết, nếu người ta pha thêm acetone vào xăng, với liều lượng nhỏ sẽ làm cho chỉ số octan tăng thêm rất cao nhằm gian lận chất lượng, qua mắt nhà quản lý chất lượng. Trong khi đó trong hóa học, acetone là dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm.
Nếu tác động liên tục và ở tốc độ cao (hàm lượng acetone cao) sẽ làm các gioăng này bị hỏng... có thể khiến nhiên liệu rò ra ngoài, gặp tia lửa điện, gây cháy nổ. Bên cạnh đó, không thể loại trừ khả năng bị pha methanol với giá thành rẻ hơn nhiều để tăng thêm lợi nhuận cho người bán hàng. Trong khi, tác động của xăng pha metanol đối với động cơ rất nguy hiểm, dẫn đến cháy, nổ.
Đồng quan điểm với nhận định trên, ông Lê Bạch Chúc - Trung tâm An toàn hóa chất bảo vệ môi trường - cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng nhiên liệu xăng pha methanol nhưng với hàm lượng dưới 5% thì không cần để ý đến sự tương thích vật liệu.
Ở nước ta, methanol chỉ mới được thừa nhận là chất phụ gia (chất biến tính) trong nhiên liệu sinh học và các cây xăng có thể pha chế tới 15% đã làm trương nở cao su và làm mềm nhựa thay đổi cấu trúc vật liệu. Ngoài ra, theo ông Chúc, xăng pha acetone cũng có thể là nguyên nhân gây cháy bởi acetone có đặc tính là không màu, có mùi nồng và dễ bắt cháy.
Phản biện lại các ý kiến trên, ông Lê Cảnh Hòa, Trưởng ban kỹ thuật Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, cho rằng: “Đổ nguyên nhân cho chất lượng xăng, dầu là không đúng”. Bởi vì theo ông Hòa, các chất ethanol, methanol, acetone khó có thể là nguyên nhân gây ra các vụ cháy dữ dội như thời gian qua. “Ethanol, methanol, acetone là hợp chất chứa ô-xy, cung cấp thêm ô-xy cho quá trình cháy, để tạo ra sự cháy hoàn toàn của xăng. Nếu pha quá nhiều ethanol, methanol hay acetone vào xăng không thể làm tăng tính chất cháy,” ông Hòa lý giải. Thêm vào đó, ông Hòa khẳng định, xăng E5, E10 đều đã được thử nghiệm và sử dụng ở nước ngoài nên không cần thiết phải thử nghiệm và xây dựng tiêu chuẩn mới ở Việt Nam.
Sau những tranh luận về chất lượng xăng, dầu của các nhà khoa học, ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội khẳng định, việc ảnh hưởng của xăng pha ethanol, methanol, acetone sẽ được nghiên cứu và có thông báo đến các cơ quan quản lý, đại lý xăng dầu, người tiêu dùng biết và sẽ cấm sử dụng nếu có tác dụng đến việc gây cháy xe.
Thanh Thúy
Xe chết máy liên tục khi chạy bằng xăng pha 15% methanol
Ngày 10/2, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đã công bố kết quả sau khi tiến hành thực nghiệm sơ bộ để so sánh nhiệt độ động cơ khi vận hành bằng xăng đạt quy chuẩn kỹ thuật và xăng có pha methanol. Chi cục đã thực nghiệm trên chiếc Honda Dream II với hai mẫu xăng so sánh: xăng RON 92 đạt chuẩn và xăng gồm 85% chuẩn với 15% methanol tính về thể tích. Thời gian chạy thử là 60 phút.
Các nhà khoa học thực nghiệm vận hành xe với xăng methanol ở chế độ không tải, không làm mát động cơ, rút hết xăng có sẵn trong xe, đổ 1 lít xăng pha 15% methanol vào bình. Khởi động động cơ ở trạng thái nguội (bằng nhiệt độ môi trường) và theo dõi, ghi chép nhiệt độ tại các vị trí gắn đầu đo nhiệt độ 10 phút/ lần. Khi theo dõi được gần 50 phút thì động cơ vận hành không ổn định, liên tục chết máy, phải khởi động lại và đến 60 phút thì chết máy hẳn, không khởi động lại được, phải dừng thực nghiệm.
Kết quả so sánh nhiệt độ thân máy cho thấy, ở phút đầu tiên, xăng pha methanol có nhiệt độ 21,2oC, còn xăng chuẩn 19,8oC. Phút 40, tương ứng là 58,1 và 51,3. Đến phút 60, xăng pha methanol là 67,6 và xăng chuẩn là 60,9oC.
Theo ông Phạm Trung Chính, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL, với điều kiện vận hành không tải thì nhiệt độ tại thân động cơ khi vận hành với xăng pha 15% methanol tăng khoảng 10% so với khi vận hành bằng xăng chuẩn. "Vận hành không tải với xăng pha methanol khoảng 50 phút, động cơ hoạt động không ổn định và liên tục chết máy", ông Chính khẳng định.
Ông Nguyễn Minh Bằng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, Việt Nam cũng giống hầu hết các nước trên thế giới không quy định methanol trong xăng: "Tất cả cơ sở kinh doanh xăng dầu không được phép cho methanol vào trong xăng. Nếu xăng chứa methanol là vi phạm". Ông Bằng cho biết, chỉ xăng sinh học (E5) có quy chuẩn hàm lượng methanol không lớn hơn 5% thể tích.
Methanol là chất không màu, bay hơi tốt và khả năng cháy cao, phù hợp để làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Tuy nhiên, việc dùng metanol làm nhiên liệu ngày càng giảm.
Ở Mỹ, methanol không được sử dụng làm nhiên liệu cho xe đua cũng như cho vào nhiên liệu. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA cho phép nồng độ methanol pha xăng chỉ là 2,75%. Liên minh 12 hãng xe lớn nhất thế giới cũng đã ra bản tuyên bố trên toàn cầu về việc ngăn ngừa sử dụng methanol trong nhiên liệu.
Phương Thúy
|