Ngang nhiên pha chế dọc đường là sai quy trình
Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn bày tỏ, hiện nay, khâu phân phối bán lẻ xăng dầu trở nên khó kiểm soát nhất. Đơn cử như, công ty Bình Sơn chỉ sản xuất xăng A92, A95 và có thể chủ động kiểm soát chất lượng xăng trong quá trình sản xuất. Các sản phẩm xuất bán cho các đầu mối như Petrolimex, PVoil, SaigonPetro, Petec đều phải qua quy trình kiểm tra ngặt nghèo mới được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia.
"Nhưng sau quá trình bán sỉ này, hàng đã xuất cho các đầu mối, rồi từ đây sản phẩm được bán lẻ đi hàng nghìn cây xăng trên khắp cả nước thì việc kiểm soát chất lượng trở nên vô cùng khó", ông Giang đánh giá.
Trước phản ánh có rất nhiều xe bồn chở xăng dầu tạt ngang vào các bãi trống dọc đường vận chuyển để pha chế (các xe 57K-7617, 57H-2316, 51E-003.28, 57M-0456 (trực thuộc Petrolimex), 57K-9343 (thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải hàng hóa H.P), xe 57K-8275 của Công ty cơ khí xăng dầu thuộc Petrolimex, các xe 51E-024.90, 57K-5052, 57K-5660... đại diện Công ty SaigonPetro khẳng định, các xe bồn chở xăng dầu tạt vào dọc đường để pha chế thêm là sai quy trình. Vi phạm này rất dễ xảy ra và thậm chí, đã từng phổ biến ở một số tỉnh miền Tây nhưng lại vô cùng khó kiểm soát đối với các doanh nghiệp đầu mối.
|
Công nghệ pha chế xăng "rởm" (theo báo Than Niên)
|
Theo đại diện doanh nghiệp này, nguyên tắc lớn nhất trong quy trình giao nhận xăng dầu là khi xuất kho, vận chuyển tới các Tổng đại lý và đại lý, sản phẩm xăng dầu đều phải được lấy mẫu, đo nhiệt độ và niêm phong. Khi xe bồn xăng tới kho của Tổng đại lý thì xe phải đảm bảo còn nguyên niêm nhựa trên miệng bồn.
Trước khi bơm xăng lên bồn xe, sẽ phải lấy 2 chai mẫu để làm chứng cứ đối chiếu về chất lượng, trong đó, một chai mẫu xăng do doanh nghiệp đầu mối giữ, một chai mẫu sẽ do chủ xe bồn mang giao lại cho Tổng đại lý. Trên niệm nhựa, in rõ logo doanh nghiệp và số seri.
Vị đại diện SaigonPetro nhấn mạnh, trong quy trình này, các Tổng đại lý và đại lý khi nhận hàng, sẽ phải kiểm tra kỹ xem niêm nhựa còn nguyên vẹn không, có là niêm thật không, đầy đủ logo, chính xác số seri giữa niêm nhựa và trên phiếu giao nhận không. Ngoài ra, các đơn vị này cũng phải lưu giữ cẩn thận chai mẫu. Nếu phát hiện bất cứ hiện tượng gì nghi ngờ về chất lượng xăng hoặc phát sinh tranh chấp chất lượng thì chính các đơn vị này cần báo lại cho doanh nghiệp đầu mối để xử lý, so sánh đối chiếu mẫu xăng.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia này, các chủ phương tiện chở bồn xăng có thể qua mặt nhà quản lý bằng nhiều cách. Cách đơn giản nhất là sau khi cắt niêm nhựa mở bồn, họ gắn lại bằng keo khá tinh vi. Nếu các Tổng đại lý sơ xẩy, không kiểm tra kỹ niêm nhựa thì sẽ không phát hiện được.
Trên thực tế, các mánh lới ăn gian chất lượng, khối lượng xăng dầu trên đường vận chuyển đã được cảnh báo nhiều. Tại các hội nghị khách hàng, bản thân SaigonPetro cũng liên tục cảnh báo với các khách hàng của mình về chiêu gian lận này.
Petrolimex sẽ sa thải cán bộ làm sai quy trình
Cho đến nay, các vụ việc làm sai quy trình, pha chế dọc đường, ăn gian chất lượng xăng dầu đã được phản ánh qua nhiều phóng sự trên cả các kênh truyền hình, báo chí nói chung. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý, truy cứu được tận gốc vụ việc nào mang tính điển hình, răn đe trên toàn xã hội.
Trước các thông tin cụ thể báo Thanh Niên nêu hôm 9/1, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, Tổng công ty đã có điện khẩn gửi 3 công ty vận chuyển và kinh doanh xăng dầu trực thuộc phía Nam là Công ty CP vận tải xăng dầu Petrolimex Sài gòn, Công ty CP cơ khí xăng dầu và Công ty xăng dầu khu vực 2, yêu cầu báo cáo kiểm tra và báo cáo toàn bộ các vấn đề báo đã nêu. Đồng thời, Petrolimex cũng yêu cầu 3 công ty "con'" này cần tăng cường kiểm tra quy trình vận chuyển xăng dầu, nếu có vi phạm phải cương quyết nghiêm khắc xử lý.
Ông Dũng xác nhận, sơ bộ trong số các phương tiện vận chuyển xăng bị báo bêu tên, có một xe thuộc Công ty CP cơ khí xăng dầu. Đây vốn là doanh nghiệp Nhà nước nay đã được cổ phần hóa.
"Nếu lái xe, cán bộ nhân viên thuộc Petrolimex vi phạm làm sai như vậy, chúng tôi sẽ xử lý cương quyết, nghiêm khắc, không dung tha. Hình thức xử phạt hành chính cao nhất là sai thải. Trước đây, có những nhân viên vi phạm "nối số" khi bơm xăng, Petrolimex cũng đã kiên quyết sa thải."
Ông Dũng cho biết thêm: "Về mặt pháp luật, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý, chức năng để xử lý tiếp vụ việc, làm sao đạt hiệu quả răn đe toàn xã hội."
Theo Nghị định 84, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ phải chịu trách nhiệm tới cùng về giá cả, chất lượng hàng hóa khi bán cho người tiêu dùng đồng thời, cũng phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm soát hệ thống phân phối của mình. Thừa nhận luật quy định nhưng ông Dũng không khỏi than thở: quản lý chất lượng xăng dầu là vô cùng nan giản, rất khó.
Theo ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, không phải phụ gia nào pha vào xăng cũng đều độc hại. Ví dụ như pha Ethanol (cồn sinh học) vào xăng thì sẽ có lợi, bảo vệ môi trường, các nước đều đã sử dụng. Hiện các quốc gia đã áp dụng pha tỷ lệ Ethanol 3%, 5%, 10% và thậm chí có nước pha tới 15-20%. Hoặc pha phụ gia chống đông để sử dụng ở các vùng lạnh.
Những kẻ gian lận lạm dụng các phụ gia pha vào xăng nhằm hai mục đích, một là pha vào làm tăng khối lượng xăng, hai là làm tăng trị số ốc-tan. Ví dụ như mua xăng A83, pha phụ gia vào để tăng trị số thành xấp xỉ 92 ... Tuy nhiên, có những phụ gia chưa được kiểm nghiệm, có tác dụng làm tăng trị số ốc- tan đã bị lạm dụng pha vào xăng như trường hợp pha methanol, acetone. Chính các phụ gia này sẽ làm cho chất lượng xăng bị biến chất, như làm tăng hàm lượng oxy, làm xăng dễ bay hơi ở nhiệt độ bình thường. Thậm chí, các phụ gia này làm ăn mòn cả bình chứa xăng của xe máy, ô tô, làm mòn các gioăng cao su, nên dẫn tới nguy cơ rò rỉ, cháy nổ. Nhất là khi hệ thống điện trong xe lại cũng có vấn đề. Do đó, người ta nghi ngờ các vụ cháy nổ xe máy ô tô bất thường vừa qua có nguyên nhân từ việc xăng không đảm bảo chất lượng cũng là có cơ sở.
|