Trong xăng có một số thành phần dễ bốc hơi, như acetone, methanol… khiến khả năng gây cháy tăng lên. Vì lợi nhuận, nhiều chủ cây xăng sẵn sàng pha thêm các tạp chất vào xăng khiến nguy cơ cháy nổ càng cao - T.S Nguyễn Anh Đức, Viện phó Viện Dầu khí Việt Nam khẳng định.
- Những yếu tố nào dẫn tới nguy cơ cháy nổ ô tô, xe máy, thưa ông?
|
TS Nguyễn Anh Đức |
Để xảy ra cháy nổ, phải có đầy đủ hai điều kiện: nồng độ chất gây cháy trong không khí và tia lửa. Trường hợp xe bị rò rỉ xăng, lại xuất hiện tia lửa điện thì sẽ dẫn đến cháy xe.
- Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân xảy ra cháy xe bắt nguồn từ xăng. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?
Tôi cho rằng nhận định trên có cơ sở. Trong xăng hiện nay đang có một số thành phần dễ bốc hơi, như acetone, methanol… khiến khả năng gây cháy tăng lên. Những thành phần này dễ có trong xăng ở các cửa hàng xăng bán lẻ.
Những thành phần này có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 giá xăng. Vì thế nhiều cửa hàng sẽ pha chế vào xăng để kiếm lời.
Những thành phần dễ bốc hơi này rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ xảy ra cháy xe.
Nếu sử dụng xăng pha methanol và acetone nhiều trong thời gian dài, gây rò rỉ, tích tụ dần có thể dẫn đến cháy xe dễ dàng hơn rất nhiều.
-Ông lý giải thế nào về một số trường hợp xe đang trong trạng thái đứng yên nhưng vẫn bốc cháy?
Sáng nay tôi đã trao đổi với một chuyên gia an về toàn xe. Vị chuyên gia này bảo, phần lớn các vụ cháy chủ yếu là xe tay ga. Nguyên nhân khiến xe tay ga dễ bốc cháy vì loại xe này thường kín, do đó gia tăng lượng tích tụ methanol, hoặc acetone. Sau một thời gian tích tụ nhiều sẽ bốc hơi ra ngoài, gặp tia lửa và gây cháy.
Như tôi đã nói, để dẫn đến cháy thì phải đồng loạt xảy ra hai hiện tượng: rò rỉ nhiên liệu và xuất hiện tia lửa điện. Về bản chất khi để can xăng hở ra ngoài thì nó cũng không gây cháy, trừ trường hợp có xuất hiện tia lửa điện.
Khi xe đứng yên sẽ không có tia lửa điện. Vì thế với trường hợp xe đang đứng yên mà vẫn cháy thì rất khó hiểu và không dễ lý giải.
|
Xăng đsag được coi là thủ phạm gây cháy xe. |
- Một số ý kiến cũng cho rằng, nguyên nhân gây cháy từ xăng còn bắt nguồn từ quy trình pha xăng Condensate (xăng nhẹ) không đảm bảo tiêu chuẩn. Ông nghĩ sao về tình huống này?
Phải thừa nhận một thực tế rằng, condensate là thành phần dễ bay hơi, nên dễ gây cháy hơn bình thường. Nếu pha ít hoặc nhiều condensate vào xăng cũng không tốt, nếu pha nhiều hơn mức cho phép càng làm nguy cơ cháy nổ tăng lên.
Tuy nhiên theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam TCVN 6776, ban hành năm 2005, quy định tất cả các nhà sản xuất xăng, trước khi cung ứng ra thị trường đều phải được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra, kiểm chứng, hợp chuẩn hợp quy.
Vì thế về mặt lý thuyết rất khó xảy ra trường hợp pha condensate không đảm bảo tiêu chuẩn ở những cửa hàng xăng đã qua kiểm định.
Nhưng rất có thể một số đơn vị tư nhân, họ mua condensate, cùng với acetone, methanol pha vào xăng để kiếm lời. Lúc đó áp suất hơi bão hòa sẽ vượt quá tiêu chuẩn, dễ bay hơi dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao hơn xăng đạt tiêu chuẩn.
- Để xác định rõ nguyên nhân, theo ông lúc này chúng ta có nên mở một cuộc thanh tra toàn diện các cửa hàng xăng dầu?
Đối với những chiếc xe bị cháy, cơ quan điều tra cần tìm hiểu xem lần cuối cùng họ mua xăng ở đâu để các nhà chuyên môn kiểm tra điểm bán xăng đó.
Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ xăng pha nồng độ chất dễ gây cháy, thì trong thời gian tới, nhiều khả năng các cửa hàng bán lẻ xăng sẽ sợ và không dám pha nữa. Lúc đó số lượng vụ cháy xe sẽ giảm đi.
Ngược lại, nếu nguyên nhân cháy do chập điện, hoặc một lý do nào khác không liên quan đến xăng thì số xe cháy sẽ không giảm.
Nếu mở cuộc điều tra toàn diện, tôi tin tình trạng cháy xe sẽ giảm đi đáng kể.
|
Quá nhiều vụ cháy xe xảy ra trong thời gian qua. Ảnh ITN |
- Phải chăng cơ chế quản lý các cửa hàng kinh doanh xăng hiện nay đang lỏng lẻo, chế tài xử phạt chưa nghiêm?
Sở KHCN TPHCM đã nhiều lần đi kiểm tra các nhà sản xuất, thì phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể trong quãng đường vận chuyển từ chỗ sản xuất đến cây xăng, mỗi lần kiểm tra lại phát hiện gian lận, trong đó có nhiều hàm lượng chất khác pha vào xăng.
Đã đến lúc chúng ta phải quản lý chặt chẽ các điểm buôn bán xăng nhỏ lẻ. Đồng thời phải quy trách nhiệm rõ ràng những điểm bán xăng không đảm bảo tiêu chuẩn, nhất là những cây xăng tư nhân, lấy xăng từ nhiều nguồn khác nhau. Khi xảy ra sự cố họ lại đổ lỗi cho nhiều đơn vị khác nhau và phủ nhận trách nhiệm.
Vì thế phải đưa ra quy định, xăng tư nhân muốn hoạt động, phải đảm bảo chất lượng. Nghĩa là họ phải có trách nhiệm kiểm tra chất lượng đầu vào, khi xảy ra sai phạm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Những cây xăng không đảm bảo chất lượng sẽ bị đóng cửa.
- Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVO) và Viện Dầu khí đều thuộc Tập đoàn Dầu khí. Trong bối cảnh hiện nay, Viện Dầu khí có rà soát, tìm hiểu xem các quy trình của PVO có dẫn đến nguy cơ gây cháy xe?
Từ trước đến nay chúng tôi đã làm nhiều nghiên cứu cho PVO. Riêng vấn đề này chúng tôi cũng đang làm việc cụ thể chặt chẽ, xem có nguyên nhân nào dẫn đến nguy cơ chảy nổ không.
Qua kiểm tra ban đầu, toàn bộ quy trình của PVO hiện vẫn đảm bảo chất lượng, không có khả năng gây ra cháy nổ xe.
Xin cảm ơn ông!