|
Chính phủ đã chỉ đạo EVN phải thoái vốn ở các lĩnh vực kinh doanh khác để tập trung vào kinh doanh điện. |
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có những giải thích rõ ràng.
Tăng giá điện ở mức 5% để kiềm chế lạm phát
Kết quả kiểm toán cho biết, năm 2010, EVN lỗ hơn 25 nghìn tỉ đồng, trong đó lỗ trực tiếp là 10 nghìn tỉ đồng; năm 2011 lỗ hơn 15 nghìn tỉ đồng, lỗ trực tiếp 3.540 tỉ đồng.
Hiện EVN đầu tư kinh doanh vào bảo hiểm bất động sản, ngân hàng và tài chính là 2.108 tỉ đồng, chiếm 4,22% trên tổng vốn đầu tư. Trong đó, đầu tư vào bất động sản chiếm 79,5 tỉ đồng; vào ngân hàng An Bình là 114,9 tỉ đồng; vào Công ty tài chính điện lực 1.000 tỉ đồng. Trừ các doanh nghiệp bất động sản và bảo hiểm, ngân hàng An Bình và Công ty tài chính điện lực hoạt động đều có lãi. Nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực này đều do EVN tự vay thương mại và huy động từ xã hội.
Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo EVN phải thoái vốn ở các lĩnh vực kinh doanh khác để tập trung vào kinh doanh điện.
Về đơn giá tiền lương của Công ty mẹ EVN, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo quy định, đây là lĩnh vực do Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, cho phép. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất điện hàng năm, ví dụ năm 2010 được tính là 5434 đồng/kWh. Trên cơ sở này, EVN tính toán quỹ tiền lương. Còn vấn đề tiền lương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương đã giải trình cụ thể tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13.
Về vấn đề tăng giá điện 5% từ ngày 20/12, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phương án tăng giá điện ở mức 11,76%. Tuy nhiên, Thủ tướng đã cân nhắc các yếu tố về an sinh xã hội và chống lạm phát nên quyết định mức tăng giá điện 5% vào ngày 22/12 vừa qua. Mức tăng này chỉ mới phù hợp cho giá nhiên liệu trong năm 2012 và một phần tỉ giá, chứ chưa “gánh được” lỗ cho các năm trước. Thực tế, việc điều chỉnh giá điện 5% mới phản ánh những thay đổi của các thông số đầu vào cơ bản so với phương án giá điện năm 2011 như giá nhiên liệu, chênh lệch tỷ giá, cơ cấu nguồn điện và được thực hiện đúng thẩm quyền. Giá điện này chưa đảm bảo cho EVN hoạt động có lãi trong năm 2012 cũng như chưa đưa vào các khoản lỗ các năm trước đây của EVN.
Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay chưa phải là tăng giá điện lên bao nhiêu mà là sự tăng giá đó có minh bạch hợp lý không. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng giải thích, hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành thị trường thị trường phát điện cạnh tranh. Từ 1/7/2011 đến nay, các đơn vị phát điện đã rất khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và các hệ thống văn bản pháp lý cho thị trường phát điện cạnh tranh. Dự kiến khoảng giữa năm 2012, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức sẽ được đưa vào hoạt động. Tiếp sau đó sẽ là thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh. Tới lúc đó, khách hàng dùng điện có thể theo dõi hàng ngày về giá điện phát điện của các nhà máy điện trong hệ thống điện Việt Nam.
Định mức chi phí kinh doanh xăng dầu: Đã có sự thống nhất giữa hai Bộ
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, tính từ năm 2008, việc kinh doanh xăng dầu của Petrolimex chỉ năm 2009 là có lãi 2.660 tỉ đồng. Năm 2010, kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỉ đồng. Riêng 9 tháng năm 2011 con số lỗ là 2.134 tỉ đồng.
Đặc biệt, năm 2008 bị lỗ tới 11.945 tỉ đồng. Trong năm này, Nhà nước bù lỗ cho các mặt hàng dầu là 10.775 tỉ đồng; Bộ Tài chính tạm ứng từ ngân sách tương ứng với số lỗ lũy kế mặt hàng xăng đến 21/7/2008 là 1.812 tỷ đồng. Tổng số được bù là 12.587 tỉ đồng. Sau khi được bù lỗ, hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex được phản ảnh qua số liệu kiểm toán là lãi 642 tỉ đồng. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, trong quá trình tham mưu điều hành giá điện, giá xăng dầu giữa hai Bộ: Công Thương và Tài chính đều có sự phối hợp thống nhất. Có ý kiến khác nhau là do cách tính khác nhau.
Về câu chuyện nâng cao mức chi trả hoa hồng cho đại lý, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC, chi phí bán lẻ vùng 1 là 600đ/lít; bán buôn 400đ/lít. Đây là mức chi trả hoa hồng quá thấp, không đủ bù đắp chi phí thực tế. Vì vậy, trong năm 2010, 2011, nhiều cây xăng đã ngừng bán hàng gây khó khăn cho việc duy trì hệ thống đại lý xăng dầu, ảnh hưởng không tốt cho sản xuất và đời sống. Tại những địa bàn khó khăn, xa cảng nhập khẩu như Hà Tĩnh đã kiến nghị mức thù lao từ 1.000 đồng-1.050 đồng/lít mới đảm bảo bù đắp chi phí và có lãi.
Để thực hiện nhiệm vụ chính trị, Bộ Công thương đã yêu cầu Petrolimex phải chấp nhận lỗ để duy trì hệ thống, không để đứt nguồn cung, chi thêm hoa hồng cho đại lý không được tính vào giá xăng dầu. Hiện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã thống nhất tăng phí hoa hồng cho đại lý ở vùng 1 lên 860đồng/lít (bán lẻ), 500đồng/lít (bán buôn).