|
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh |
Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê Đăng Doanh khẳng định như vậy với PV NTNN.
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả điều hành kinh doanh mặt hàng xăng dầu trong suốt năm 2011?
- Có thể nói năm 2011 là năm đầy biến động và "tai tiếng" của lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Đầu năm, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng, với mức tăng có lúc lên tới 30%, vượt cả sức chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp (DN) và của người dân.
Sau đó, trước sức ép của dư luận, mà điển hình là việc các đại biểu Quốc hội đề nghị ngành xăng dầu phải công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu thì lại xảy ra việc hai lãnh đạo Bộ Công Thương và Tài chính có ý kiến khác nhau.
Đến tận bây giờ, việc kiểm toán, thanh tra của Bộ Tài chính mới cho thấy kinh doanh xăng dầu thực sự lãi chứ không lỗ như kêu ca của DN đầu mối và đã có nhiều sai phạm trong kinh doanh mặt hàng này. Rõ ràng, qua những việc như thế này bộc lộ một điều đáng buồn là chúng ta đã và đang không quản lý được việc kinh doanh mặt hàng xăng dầu.
Chúng ta chưa thấy được tác hại của việc độc quyền trong kinh doanh xăng dầu. Chính chúng ta đã để thị trường xăng dầu phát triển thành "một khối" mà ở đó, DN độc quyền cả các khâu nhập khẩu- bán buôn- bán lẻ, dẫn tới dễ bề thao túng, làm lợi cho bản thân DN mà các cơ quan chức năng khó kiểm tra, kiểm soát và "kết tội" được.
Như vậy, cơ chế kinh doanh xăng dầu đã bị các DN lợi dụng để làm lợi trong khi vẫn cho rằng mình đang làm "nhiệm vụ chính trị" và chịu thiệt (lỗ) để giữ ổn định cho nền kinh tế?
- Đúng như vậy. Vì thế mà khi thị trường xăng dầu thế giới biến động, bản thân các nhà quản lý rất lúng túng. DN thì gây sức ép để tăng giá, thậm chí đòi đóng cửa, không nhập hàng về mà các cơ quan Nhà nước không có cách gì xử lý được, buộc phải “tuân theo” DN.
Trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước đã rất bị động, nếu không có biện pháp sửa tận gốc vấn đề này thì chúng ta không thể thay đổi được cục diện của tình hình kinh doanh xăng dầu như đã xảy ra.
|
Sai phạm của doanh nghiệp xăng dầu đã được chỉ ra, nhưng chưa bị xử lý
|
Thực tế là các cơ quan Nhà nước cũng đã nhận ra những kẽ hở này và đang cố gắng để điều chỉnh. Nhưng rõ ràng, vẫn có những tranh cãi và chưa thống nhất về việc thay đổi cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu như thế nào cho hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Theo ông điều gì cản trở sự thay đổi này?
- Việc Bộ Tài chính công bố công khai kết quả kinh doanh kèm theo đó là các vi phạm của DN xăng đầu, đã cho thấy một quyết tâm sẽ thay đổi cơ chế điều hành kinh doanh mặt hàng này. Song tôi nghĩ, việc hành động vẫn còn thiếu kiên quyết, bởi chúng ta mới chỉ công khai một phần thị trường này mà không thấy làm gì cả hay nói cách khác là xử lý những bất cập này cụ thể như thế nào?
"Tôi cho rằng, chừng nào chúng ta chưa có cải cách thực sự trong lĩnh vực xăng dầu thì rất khó để người tiêu dùng được hưởng quyền lợi chính đáng của mình."
TS Lê Đăng Doanh
|
Lẽ ra, các cơ quan chức năng phải thực hiện ngay và trước hết là tách Petrolimex ra thành 3 đơn vị khác nhau (bán buôn - bán lẻ - nhập khẩu) để hạn chế việc chuyển giá của DN, nhưng chúng ta chưa thấy các cơ quan chức năng sẽ làm việc này.
Giá xăng dầu thế giới và VN đang có những khoảng cách rất rõ, mà điển hình là giá thế giới giảm nhưng giá trong nước chưa bao giờ giảm mạnh tương ứng mà chỉ giảm nhỏ giọt cho có "lệ" mà thôi. DN xăng dầu càng ở vị thế độc quyền càng lũng đoạn thị trường xăng dầu mà các cơ quan quản lý không ngăn chặn được.
Nhưng các DN xăng dầu cũng cho rằng, nếu họ được trao cơ chế kinh doanh theo thị trường thực sự (được quyền tự định giá, tự chủ kinh doanh theo thị trường) thì họ sẽ kinh doanh bài bản và sòng phẳng hơn với người tiêu dùng. Ông nghĩ sao?
- Ngành xăng dầu đang độc quyền thì chả có DN nào chịu "sòng phẳng" với người tiêu dùng cả, nói như vậy chỉ là cái cớ để DN bao che cho các sai phạm và lợi ích của mình. Thực tế những năm qua, có năm các DN được tự định giá xăng dầu và đã tăng giá tới 11 lần để rồi có lãi lớn mà vẫn kêu lỗ, vẫn được bù lỗ, công luận đã mổ xẻ rất nhiều.
Lãi mà họ vẫn đòi tăng giá, như vậy đã sòng phẳng hay chưa? Trong khi đó, bản thân các bộ, ngành quản lý mặt hàng này thì lại có những hành xử chưa thống nhất, bộc lộ sự yếu kém, trong khi lẽ ra phải phối hợp có hiệu quả hơn để kiểm soát tốt hơn giá xăng dầu.
Ngay việc lỗ, lãi trong kinh doanh mặt hàng này mà đến giờ có lúc các cơ quan quản lý còn không nhất trí được với nhau thì người dân thấy quan điểm quản lý và cách tiếp cận của chúng ta còn khác nhau quá, vậy bao giờ người tiêu dùng mới có được sự "sòng phẳng" và "công bằng"?
Chủ trương của chúng ta là lĩnh vực kinh doanh xăng dầu sẽ phải theo cơ chế thị trường, chứ không phải "chưa có sự nhất quán", thưa ông?
- Thế thì các cơ quan quản lý Nhà nước đừng cho thấy sự nuông chiều, thậm chí là bao biện rất nhiều cho DN. Cho đến nay, vẫn không thấy các cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến đánh giá hay xử lý gì với DN sau khi có kết quả kiểm toán, thanh tra. Thậm chí có Bộ còn "bao che" cho DN và cho rằng, những kết quả thanh tra là do bất cập trong cơ chế, bất hợp lý trong chi phí với DN (?!).
"Tôi đề nghị trước mắt là tách Petrolimex ra thành 3 công ty độc lập khác nhau (bán buôn - bán lẻ - nhập khẩu). Các cơ quan chức năng cần có thái độ cương quyết trong việc kiểm soát giá, lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu để người tiêu dùng không phải chịu thiệt."
TS Lê Đăng Doanh
|
Bộ Tài chính thì công bố các sai phạm đã rõ của DN nhưng cho biết là không xử lý mà chỉ để dần minh bạch thị trường xăng dầu... Rồi các cơ quan Nhà nước vẫn cho biết sẽ xem xét kiến nghị tăng mức chi phí kinh doanh, mức chi hoa hồng cho đại lý của DN xăng dầu lên... Những hành động này người tiêu dùng nên hiểu như thế nào? Tôi cho rằng, chừng nào chúng ta chưa có cải cách thực sự trong lĩnh vực xăng dầu thì rất khó để người tiêu dùng được hưởng quyền lợi chính đáng của mình.
Vậy trong lúc còn chưa thể thay đổi ngay được cơ chế kinh doanh xăng dầu một cách quyết liệt như ông nói, thì chúng ta phải có giải pháp nào để kinh doanh xăng dầu minh bạch, ít nhất là đảm bảo được quyền lợi của cả Nhà nước, DN và trên hết là quyền lợi của người tiêu dùng?
- Tôi cho rằng chúng ta cần kiên quyết sớm bỏ độc quyền trong kinh doanh xăng dầu. Ngành xăng dầu chuyển dần sang cơ chế thị trường thì phải thay đổi cách quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý nên bớt quan liêu. Chúng ta không thể nói DN chuyển sang cơ chế thị trường là chuyển sang được mà phải thay đổi cơ chế, cách quản lý và có những hành động cụ thể, thiết thực.
Xin cảm ơn ông!