Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Sài Gòn Petro cho biết xăng A83 được sản xuất từ năm 1995-1997, nhu cầu sử dụng loại sản phẩm này cũng còn khá nhiều, tập trung vào sinh viên , người buôn rau quả, người sử dụng xe cũ, người chạy ghe, máy nuôi tôm, máy bơm nước...
Hiện Sài Gòn Petro sản xuất khoảng 30.000 khối A83 một năm chiến khoảng 20% thị trường cả nước. Ngoài đơn vị này còn có PV Oil, Công ty Nam Việt, Xăng dầu quân đội... Ông Sang khẳng định Sài Gòn Petro không bán A83 cho các đại lý ở TP HCM mà bán ở khu vực miền Tây, Tây Nguyên...
"Một tháng chúng tôi bán khoảng 3.000-3.500 khối xăng loại này. Quan điểm của chúng tôi là A83 vẫn có người dùng nhưng nếu Nhà nước bảo ngưng sản xuất thì chúng tôi sẽ ngưng nhưng cũng cần đưa ra lộ trình 6 tháng - một năm", ông Sang nói.
Đại diện Sài Gòn Petro cho biết, lộ trình sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt vì như hiện nay, đơn vị này mua nguyên liệu để sản xuất cho ra A83 là mua cho 6 tháng. Việc ngưng ngay lập tức sẽ ảnh hưởng công ăn việc làm của khoảng 100 công nhân.
Nói về chuyên gian lận xăng, ông Sang cho rằng không nên đổ tất cả lỗi cho sự tồn tại của A83, do hiện nay việc pha xăng diễn ra nhiều thủ đoạn như pha dung môi, xăng A92 với A95 và với chỉ số octan thì bất cứ gì pha vào cũng làm thay đổi chỉ số này chứ không riêng gì A83.
Một lãnh đạo Hãng cung ứng xăng dầu PV Oil cho hay hồi năm 2006, xăng A83 gần như bị "xóa sổ" trong danh mục các sản phẩm cung ứng tại thị trường phía Bắc. Việc doanh nghiệp đồng loạt ngừng lưu thông dòng sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng tại phía Bắc cực ít. Các dòng phương tiện chủ yếu vẫn dùng dầu diezel và xăng A92, A95. "Xăng A83 hiện chỉ dùng ở một số khu vực ở miền Tây", vị lãnh đạo này cho biết.
Theo ông xăng A83 về bản chất vẫn là dòng sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số phương tiện đi lại thực sự thích hợp khi sử dụng loại xăng này vì giá rẻ, tiết kiệm chi phí. Do đó, việc một số đơn vị dùng loại sản phẩm này chế biến để gian lận là chuyện "con sâu bỏ rầu nồi canh" cần phải xử phạt nặng.
Hồi năm 2006, Bộ Thương mại cũ (nay là Bộ Công Thương) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép chỉ lưu thông hai chủng loại xăng tiêu chuẩn A92 và A95 trên thị trường trong nước. Đồng thời, cơ quan này cũng kiến nghị dứt khoát loại khỏi lưu thông các loại xăng khác, đặc biệt là A83.
Tại thời điểm Bộ Thương mại kiến nghị, thị trường đang tồn tại 4 loại xăng gồm gồm 83, 90, 92 và 95. Việc lưu hành nhiều loại xăng như vậy đã gây gian lận thương mại và cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Xăng A83 có giá thấp nên bị lợi dụng để pha chế thêm thành xăng tiêu chuẩn cao hơn hoặc bán thẳng ra thị trường dưới mác xăng tiêu chuẩn cao hơn để hưởng chênh lệch giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng đã có chỉ lệnh làm rõ việc dừng lưu thông đối với sản phẩm xăng này. Lý do là có nhiều ý kiến phản đối việc ngừng lưu thông vì nhu cầu trong nước vẫn lớn, xăng A83 vẫn phục vụ tốt cho người dân một số vùng miền, đặc biệt là những nơi còn khó khăn, nguồn nguyên liệu trong nước có thể pha chế xăng đáp ứng tiêu chuẩn VN. Tại thời điểm năm 2006 xăng A83 có giá bán lẻ 9.700 đồng, trong khi các sản phẩm xăng cao cấp khác giá khoảng 12.000-13.000 đồng.