Bà Đàm Thị Huyền - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - khẳng định: Không có cửa hàng nào thuộc Petrolimex vi phạm vì tổng công ty từ lâu không kinh doanh mặt hàng xăng A83. “Khi cho phép cùng tồn tại xăng A83 và các xăng có chất lượng cao khác trên thị trường, nếu không có sự kiểm tra thường xuyên thì dễ xảy ra vi phạm chất lượng xăng dầu bằng cách pha trộn xăng A83 vào các xăng khác để gian lận về giá” - bà Huyền nói.
Được biết, trên thực tế việc thống kê lượng xăng A83 đang lưu thông là chưa rõ ràng và chưa có số liệu cụ thể. Vì thế, không thể khẳng định là xăng A83 có mặt trên thị trường toàn quốc hay chỉ ở một vài địa phương. Bà Huyền cho biết thêm, cách đây 6 tháng tại Nghệ An và Thanh Hóa có phát hiện ra xăng kém chất lượng nhưng không thuộc hệ thống của Petrolimex. Tuy nhiên, nếu DN có gian lận “biến” xăng A83 thành xăng A92, A95 với lợi nhuận chênh khoảng 500 đồng/lít xăng thì vận chuyển xa (sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh) thì các DN gian lận cũng không có lãi. Vì thế, loại xăng này có mặt tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (nơi gần khu vực sản xuất) nhiều hơn khu vực phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú giải thích: Hiện nay, theo quy định, các tổng đại lý, đại lý xăng dầu chỉ được phép lấy từ một nguồn duy nhất (tức là từ 1 đầu mối). Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều đơn vị đầu mối nên xảy ra hiện tượng các đại lý lấy hàng ở nhiều đầu mối. Như vậy, các DN kinh doanh xăng dầu đã mắc 2 vi phạm: Lấy hàng từ hai nguồn hoặc nhiều nguồn khác nhau và vi phạm về chất lượng. Để giải quyết tận gốc vấn đề, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, không nên tiếp tục cho sản xuất xăng A83, bởi vì hiện nay không có cây xăng nào treo biển bán xăng A83 và thực tế không còn nhu cầu sử dụng A83, trong khi mỗi năm Saigon Petro vẫn sản xuất hàng trăm ngàn tấn ra thị trường. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho gian lận thương mại về chất lượng xăng dầu.
Được biết, Bộ Công Thương đã nhiều lần kiến nghị dừng sản xuất xăng A83, nhưng hiện nay Saigon Petro vẫn còn cơ sở chế biến với công suất tới 200.000 tấn/năm. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh báo cáo với UBND thành phố về trường hợp Saigon Petro “dùng sản phẩm đó làm gì, bởi xăng A83 thị trường đã không dùng nữa mà vẫn sản xuất”.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Khánh Hiệp, ngay sau khi những thông tin trên được công bố, Sở đã mời các đại lý, doanh nghiệp, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu lên họp, để chấn chỉnh. Sở yêu cầu các DN phải chỉ đạo, kiểm tra, chịu trách nhiệm các mạng lưới kinh doanh của mình, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm hoặc rút giấy phép kinh doanh 6 tháng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, quan điểm được Bộ Công Thương đưa ra là bên cạnh việc đề nghị ngừng sản xuất xăng A83 thì kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Bộ trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra xử lý hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu, đồng thời đề nghị các công ty xăng dầu đầu mối phải có trách nhiệm kiểm tra hệ thống đại lý của mình để đảm bảo nguồn hàng đạt chất lượng bán ra thị trường.
“Đặc biệt, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm các DN vi phạm, có thể tính đến việc rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn chứ không dừng lại ở các hình thức xử phạt hay đình chỉ hoạt động một thời gian” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Kết quả công bố của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh sau đợt kiểm tra từ ngày 27/9 đến 16/11/2011, do cơ quan này phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, thanh tra Sở Khoa học- Công nghệ thực hiện cho thấy có 11 DN vi phạm. Kiểm tra tại 55 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở TP. Hồ Chí Minh thì có 16/32 mẫu xăng được đưa đi thử nghiệm không đạt chất lượng so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
|