|
Một trong số các cây xăng vừa bị phát hiện bán xăng “dỏm” tại TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Trước đó, cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng không nên tiếp tục cho sản xuất xăng A83 trong nước. Thực tế, xăng A83 không phổ biến nên việc vẫn cho sản xuất mặt hàng này sẽ tạo cơ hội cho gian lận.
Đề nghị đình chỉ hoạt động
Theo ông Tú, Bộ Công thương từng có ý kiến nên dừng việc sản xuất xăng A83 nhưng chưa được các bộ khác đồng tình. “Có lẽ cần có giải pháp dứt điểm vấn đề này” - ông Tú nói.
"Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải tăng cường kiểm tra hệ thống đại lý của mình để chấm dứt ngay hiện tượng gian lận thương mại"
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
|
Chỉ đạo ngay sau phát biểu của ông Tú, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng hành vi gian lận, pha trộn giảm chất lượng xăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng đến máy móc, tuổi thọ động cơ. Bộ Công thương đã kiến nghị nhiều lần là không cho sản xuất xăng A83 nữa nhưng hiện nay Saigon Petro vẫn còn cơ sở chế biến với công suất tới 200.000 tấn/năm.
Vì vậy, ông Hoàng yêu cầu Sở Công thương TP.HCM phải báo cáo UBND TP.HCM về trường hợp Saigon Petro “xem dùng sản phẩm đó làm gì, chứ xăng A83 thị trường đã không dùng nữa mà vẫn sản xuất”... Với Bộ Công thương, ông Hoàng chỉ đạo nghiêm: Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú có văn bản tiếp tục đề nghị cấm việc sản xuất xăng A83 ở trong nước.
Về xử lý, ông Hoàng nêu rõ Bộ Khoa học - công nghệ chỉ xử phạt về bán hàng không đủ tiêu chuẩn nên Bộ Công thương phải vào cuộc. Ông Hoàng yêu cầu Cục Quản lý thị trường phải làm nghiêm túc, xem xét xử thật nghiêm. Trước phát biểu của lãnh đạo Sở Công thương cho biết có thể áp dụng hình thức tạm đình chỉ hoạt động các doanh nghiệp vi phạm sáu tháng, ông Vũ Huy Hoàng nhắc: hình thức phạt không nên chỉ dừng lại ở khả năng tạm đình chỉ hoạt động mà phải tính cả đến việc rút hẳn giấy phép kinh doanh.
Ông Hoàng cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra xử lý gian lận, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng phải tăng cường kiểm tra hệ thống đại lý của mình để chấm dứt ngay hiện tượng gian lận thương mại.
Bỏ ngỏ chất lượng
Được yêu cầu nói rõ hơn về tình trạng xăng “dỏm”, kém chất lượng, bà Đàm Thị Huyền, phó tổng giám đốc Petrolimex, thừa nhận một khi vẫn cho tồn tại xăng A83 cùng các loại xăng chất lượng cao hơn mà không có kiểm tra sát sao, đặc biệt là kiểm tra hệ thống bán lẻ của tư nhân, sẽ rất khó đảm bảo hết gian lận.
Tình trạng xăng chất lượng kém, bà Huyền cũng cho biết rất khó khẳng định người tiêu dùng bị lừa dối từ khi nào. Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM vừa kiểm tra 55 cửa hàng, cây xăng bán lẻ, bà Huyền cho biết có một cửa hàng thuộc hệ thống bán xăng dầu do Petrolimex cung cấp nằm trong danh sách vi phạm. Tuy nhiên, bà Huyền khẳng định doanh nghiệp vi phạm đã thừa nhận lấy xăng bên ngoài trộn vào chứ không phải xăng chất lượng thấp do Petrolimex cung cấp.
Doanh nghiệp đầu mối đã không nhập xăng A83, các cây xăng cũng không bán xăng A83 nhưng VN vẫn cho sản xuất xăng A83, đó là một bất hợp lý. Bà Đàm Thị Huyền nhận định “hiện chất lượng, ngay cả thống kê về lượng xăng A83 tham gia thị trường đang bị bỏ ngỏ”. Cũng theo bà Huyền, sáu tháng trước đã phát hiện ở Nghệ An, Thanh Hóa có xăng kém chất lượng. Miền Bắc do cách xa, chênh lệch 500 đồng/lít giữa xăng A83 và A92 không nhiều nên ít xảy ra xăng kém chất lượng, nhưng miền Nam thì bà Huyền cho rằng xăng kém chất lượng khá phổ biến.
Sẽ chuyển sang làm dầu gội
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất ngưng sản xuất xăng A83, ông Đặng Vinh Sang, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), cho rằng hiện không phải chỉ một mình Saigon Petro sản xuất xăng A83 mà Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) cũng sản xuất với số lượng lớn hơn. “Vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân có nhu cầu nên doanh nghiệp sản xuất. Còn nếu Nhà nước quyết định cấm thì doanh nghiệp phải chấp hành. Chúng tôi chuyển sang làm các hóa chất khác như dầu gội, xà bông cũng vẫn được”, ông Sang cho hay.
Trong khi đó ông Đ., trưởng phòng kinh doanh một công ty kinh doanh xăng dầu ở khu vực miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, cho biết trước đây công ty có bán mặt hàng xăng A83 nhưng hiện nay đã ngưng hẳn. Nguyên nhân vì nhu cầu thị trường rất yếu. Hầu hết người dân không còn lựa chọn xăng A83 cho động cơ của họ. Vì đa số xe cộ chạy đều là phương tiện không phù hợp với chỉ số octan của xăng A83, sử dụng xăng này không tốt cho xe.
CẦM VĂN KÌNH - BẠCH HOÀN
* Kiểm sát viên Trần Minh Sơn (Viện KSND TP.HCM):
Có dấu hiệu tội lừa dối khách hàng
Thông tin về kiểm tra chất lượng xăng của Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đối với các doanh nghiệp vi phạm cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh đã có việc pha trộn để ra loại xăng kém chất lượng, trong khi đó vẫn bán cho khách hàng với giá của loại xăng A92, A95 là có dấu hiệu của hành vi lừa dối khách hàng (điều 162 Bộ luật hình sự).
Loại xăng dầu chất lượng kém nhưng lại được các doanh nghiệp bán theo giá của loại xăng dầu chất lượng tốt, mục đích là nhằm thu lợi cho mình. Việc xử lý hành chính đối với hành vi này là cần thiết nhưng chưa đủ. Cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ việc bán hàng kém chất lượng này đã diễn ra trong bao lâu, số lượng xăng dầu các doanh nghiệp này tiêu thụ là bao nhiêu, khách hàng đã bị thiệt hại như thế nào. Nếu xăng dầu kém chất lượng được bán cho khách hàng số lượng lớn tức đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng thì không thể chuyển qua xử lý hành chính mà cần phải xem xét xử lý hình sự những người vi phạm, bán hàng kém chất lượng cho khách hàng thì mới nghiêm minh.
* Luật sư Trịnh Thanh (trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo):
Xâm hại lợi ích người tiêu dùng
Không chỉ xâm hại về hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước mà việc bán xăng kém chất lượng cũng đã xâm hại lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Khách hàng không chỉ thiệt hại về số tiền phải bỏ ra để mua loại xăng kém chất lượng mà còn phải chịu thiệt hại khác, đó là việc hư hỏng máy móc khi sử dụng loại xăng này. Hành vi của các doanh nghiệp bán xăng “dỏm” đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa dối khách hàng.
Thủ đoạn gian dối trong kinh doanh đã thấy rõ, chỉ còn vấn đề thiệt hại cho người tiêu dùng, khách hàng mua xăng là bao nhiêu thì cần cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
* TS Nguyễn Mộng Hùng (chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM):
Phạm tội gian lận thương mại vì bán hàng dỏm
Hiện tượng một số chủ cây xăng “phù phép” xăng A83 thành xăng A92, A95 để bán cho người tiêu dùng như báo chí nêu là hành vi gian lận thương mại. Những cây xăng vi phạm hành vi này bởi đã bán xăng kém chất lượng cho khách hàng chứ không phải bán hàng giả như một số người lầm tưởng.
Một mặt hàng được cho là hàng giả là khi chúng không đúng với bản chất, tính chất hóa lý vốn có của nó. Ví dụ mặt hàng bột ngọt được người ta lấy bột củ mì, bột bắp rồi trộn thêm các chất khác vào để tạo nên một loại bột và cho vào bao bì được ghi là bột ngọt rồi bán cho khách hàng thì đó chính là hàng giả.
T.HIỀN - Đ.TUYÊN ghi
|