Kết quả cho thấy hầu hết không có tình trạng kinh doanh xăng A83. Chỉ có một đại lý vi phạm, lấy xăng A83 từ bên ngoài vào.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, hệ thống phân phối xăng dầu tổ chức theo quan hệ 1-1. Tuy nhiên, năm vừa qua chúng ta có quá nhiều đầu mối nên không kiểm soát được. Nếu đầu mối cung cấp xăng dầu kém chất lượng thì đầu mối phải chịu trách nhiệm. Còn đại lý lấy xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau thì đại lý đã vi phạm Nghị định 84 về kinh doanh 1-1 và vi phạm về chất lượng hàng hóa.
Hiện nay mỗi năm vẫn có vài trăm ngàn tấn nguyên liệu sản xuất xăng A83 được đưa vào thị trường. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dù Bộ Công Thương đã kiến nghị nhiều lần không sản xuất xăng A83 nhưng chưa có sự thống nhất của các bộ, ngành nên nhiều đại lý vẫn lợi dụng pha vào. Ông yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo không sản xuất xăng A83 nữa, kiên quyết xử lý vi phạm 11 DN vừa mới phát hiện. Thậm chí tính đến cả việc rút giấy phép kinh doanh và không cho kinh doanh tại mặt bằng đó nữa.
Theo bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, con số hơn 500 tỉ đồng mà Bộ Tài chính cho rằng chi vượt quy định hoa hồng cần xem lại vì chiết khấu bán hàng của Petrolimex thấp nhất trong tất cả đầu mối.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng mức chi phí hoa hồng cho đại lý là con số dùng tính toán để sử dụng quỹ bình ổn giá chứ không phải là định mức bắt buộc nên không thể khẳng định đơn vị nào chi vượt hay không. Để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, các DN đầu mối phải đảm bảo xăng dầu và bình ổn giá. Tuy nhiên, chỉ có Petrolimex và PV Oil thực hiện đúng, các đơn vị này lỗ do giá bán trong nước thấp hơn giá thế giới, trong khi đại lý ép tăng hoa hồng. “Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính thay đổi quy định mức chiết khấu hoa hồng nhưng chưa có động thái gì. Muốn nói DN sai phạm thì phải có cơ sở” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.