Thời gian gần đây, giá xăng dầu trên thế giới liên tục giảm mạnh, cụ thể theo bảng giá của Petrolimex, nửa đầu tháng 11/2011, giá xăng thành phẩm trung bình nhập khẩu từ Singapore đứng ở mức 114,27 USD/thùng.
Trong khi đó, tính từ 15/11 tới nay, giá xăng A92 nhập khẩu luôn dao động xung quanh ngưỡng 107 USD/thùng, thậm chí hôm 21/11 rớt xuống còn 105 USD/thùng (thời điểm ngày 26/8 giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm từ 21.300 đồng xuống 20.800 đồng/lít, giá nhập khẩu xăng A92 ở mức 122,3 USD/thùng).
Tuy nhiên, ngày 28/11, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã ra thông báo không giảm giá bán xăng ra thị trường, giữ ổn định giá bán các loại xăng, dầu, và tăng mức trích quỹ bình ổn giá đối với xăng thêm 250 đồng/lít, như vậy tổng mức trích quỹ BOG với mặt hàng xăng là 550 đồng/lít, giữ ổn định trích quỹ BOG đối với dầu ở mức 300 đồng/lít.
Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới đã có biến động giảm, nhưng tính theo bình quân 30 ngày từ ngày 27/10 đến 25/11, theo giá cơ sở quy định tại Thông tư 234 thì giá cơ sở mặt hàng xăng thấp hơn giá bán hiện hành là 288 đồng/lít và với mức này doanh nghiệp đã có lợi nhuận.
Tuy nhiên, giá cơ sở của các mặt hàng dầu như: dầu hỏa, dầu diesel và dầu mazut thì vẫn cao hơn giá bán hiện hành từ 1.204 – 1.334 đồng/lít. Vì vậy, tổ điều hành liên bộ Tài chính – Công thương đã cân nhắc, được sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu để giảm mức lỗ cho doanh nghiệp đối với mặt hàng này, tăng mức trích quỹ bình ổn giá đối với xăng.
“Tăng trích quỹ bình ổn giá để tăng thêm nguồn sử dụng quỹ bình ổn giá cho mặt hàng dầu, nhằm ổn định giá, đảm bảo kiềm chế lạm phát theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ. Việc giảm 288 đồng/lít này, nếu có giảm vào giá xăng thì cũng rất thấp”, bà Mai nói.
Cũng theo Thứ trưởng Mai, tồn quỹ bình ổn giá hiện nay là không nhiều, vì thế, phải tăng trích quỹ bình ổn giá để có nguồn bù đắp nhằm bình ổn cho các mặt hàng khác.
“Quyết định vừa rồi được đưa ra căn cứ vào giá thị trường thế giới, căn cứ vào thông tư 234 về tính giá cơ sở, trên cơ sở đảm bảo ổn định vĩ mô, kìm chế lạm phát, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, bà Mai nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, mức giảm 288 đồng/lít với người dân đúng là không nhiều. Song với những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vận tải dùng nguyên liệu xăng, dầu thì lại là một con số không hề nhỏ.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mức chênh lệch 288 đồng/lít này là một số tiền rất lớn.
“Bên cạnh đó, việc giảm giá mặt hàng xăng dầu còn tạo được tâm lý tốt đối với người tiêu dùng và giảm áp lực tăng giá bán lên nhiều mặt hàng khác”, vị chuyên gia kinh tế cho biết.